Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ tư, 07/06/2023 13:06
TMO - Ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã và đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất tăng thu nhập và mở hướng sản xuất nông nghiệp bền vững.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa góp phần đa dạng hóa sản phẩm cây trồng, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tăng hiệu quả sản xuất. Nhờ vậy, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh triển khai các đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Các huyện, thị ven biển phía Đông tỉnh Tiền Giang: Huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, huyện Chợ Gạo và thị xã Gò Công vốn thiên nhiên khắt nghiệt, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn và thiên tai, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhất là thực trạng độc canh cây lúa mỗi năm ba vụ đối mặt nhiều rủi ro, thách thức.
Thực tế cho thấy, đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện, thị phía đông của tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” được triển khai thực hiện những năm gần đây đã phát huy hiệu quả, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân trong khu vực. Trong đó, trọng tâm là bố trí mùa vụ hợp lý, tiến tới cắt hoàn toàn vụ Thu Đông, chỉ sản xuất 02 vụ/năm cùng với xây dựng cơ cấu sản xuất đa canh. Đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn định hướng chuyển sang trồng rau màu, trồng cỏ chăn nuôi, trồng cây ăn trái đặc sản...
Đến hết năm 2022, toàn vùng đã triển khai 06 dự án, mô hình trình diễn sản xuất tiết kiệm nước; xây dựng 12 mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả để nông dân tham quan, nghiên cứu, học tập và áp dụng. Từ khi triển khai Đề án "Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025" đến nay, toàn vùng đã thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ trên tổng diện tích gần 33.000 ha, vượt gần 57% so kế hoạch đề ra.
Trong đó, có trên 6.000 ha đất canh tác tại những địa bàn đặc biệt khó khăn chuyển từ trồng lúa độc canh sang các cây trồng kinh tế khác như: Cây ăn trái đặc sản, rau màu, trồng cỏ chăn nuôi,... Đồng thời, bắt đầu từ năm 2021 trở đi, các huyện, thị trong vùng Đề án chỉ gieo sạ hai vụ chính trong năm là Đông Xuân và Hè Thu.
Tại các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đã hình thành vùng chuyên canh sả trên đất nhiễm mặn, góp phần ổn định kinh tế. Ảnh: NP.
Việc triển khai đề án đã mang lại hiệu quả kinh tế, khi mô hình độc canh cây lúa 03 vụ/năm cho lợi nhuận thấp nhất với tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 65,1% so chi phí đầu tư còn các mô hình luân canh đều cho lợi nhuận cao từ 82,4% đến 185,1% tùy theo mô hình, đó là nhờ giảm chi phí sản xuất trong khi năng suất, sản lượng giữ vững cùng những lợi ích về xã hội, sinh kế nông dân, môi sinh, môi trường và tài nguyên đất, giảm nhẹ thiên tai, tiết kiệm nước bơm tưới...
Đặc biệt, các mô hình chuyển đổi sản xuất trong khuôn khổ Đề án: Trồng bắp lấy hạt, bắp rau, đậu nành rau trên chân ruộng lúa độc canh trước đây cho lợi nhuận dao động từ 43,9 - 76,8 triệu đồng/ha, cao hơn 2,1 - 3,7 lần so với trồng lúa. Từ nay đến năm 2025, tỉnh Tiền Giang tiếp tục chuyển đổi cây trồng thêm 3.290 ha, trong đó chuyển sang trồng màu gần 1.100 ha, chuyển sang trồng cây ăn trái và cây lâu năm gần 1.700 ha, còn lại là các cây trồng khác.
Để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tỉnh tập trung chuyển giao kỹ thuật và công nghệ sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và công nghệ sinh thái; tích cực ứng dụng công nghệ cao trong quá trình thâm canh, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, sản xuất hữu cơ; liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất rải vụ... các địa phương ven biển phía đông của tỉnh tiếp tục phát triển cây ăn quả chủ lực ở những địa bàn trọng điểm, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích cây ăn quả đặc sản trên đất giồng cát ven biển, ven kênh mương “ngọt hóa”. Cùng với đó, chú trọng áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học-công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm chất lượng nông sản cung ứng cho xuất khẩu; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết chuỗi giá trị, giải quyết “đầu ra” cho nông sản hàng hóa.
Tỉnh Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa góp phần đa dạng hóa sản phẩm với các loại rau màu. Ảnh: NT.
Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng đang đẩy mạnh triển khai đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang”. Trong năm 2023, địa phương này tiếp tục chuyển đổi gần 4.900ha đất trồng lúa kém hiệu quả khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 sang các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong đó, chuyển đổi trên 900 ha sang trồng rau màu, trên 3.700 ha đất sang trồng cây lâu năm, chuyển đổi khoảng 130 ha sang nuôi thủy sản, còn lại chuyển sang chăn nuôi tập trung.
Mục tiêu nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư thâm canh đạt năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng yêu cầu các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, hình thành các vùng chuyên canh rau màu và cây ăn trái đặc thù của từng địa phương trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các vùng sản xuất lúa khó khăn, kém hiệu quả.
Tính đến hết tháng 5/2023, với việc triển khai đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang”, nông dân Tiền Giang đã trồng gần 28.000ha rau màu thực phẩm các loại, đạt khoảng 48% chỉ tiêu cả năm. Trong số đó, diện tích rau màu thực phẩm đưa xuống luân canh trên những địa bàn khó khăn, ven biển đạt trên 1.800ha. Bà con đã thu hoạch gần 23.000ha với sản lượng trên 496.000 tấn rau màu thực phẩm.
Trong năm 2023, các địa phương tại vùng dự án dự kiến trồng trên 55.000ha rau màu và sản lượng thu hoạch trên 1 triệu tấn sản phẩm. Tính đến hết năm 2022, khu vực thực hiện Đề án đã chuyển đổi trên 2.900 ha, đạt 119,1% so với kế hoạch đến năm 2022 và đạt 39,3% so với mục tiêu đến năm 2025. Trong đó, chuyển sang trồng rau màu gần 370 ha, trồng cây ăn trái gần 2.300 ha, còn lại là nuôi trồng thủy sản. Qua khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, lợi nhuận từ trồng rau màu bình quân đạt trong khoảng 47,4 triệu đồng/ha/vụ đến 290 triệu đồng/ ha/vụ tùy theo loại màu, cao hơn từ 2,2-13,3 lần so với lợi nhuận từ trồng lúa độc canh trước đây.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ Đề án như hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống sơ chế, chế biến, bảo quản phục vụ cho sản phẩm cây trồng chuyển đổi. triển khai chủ trương "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang" đến ủy ban nhân dân các xã và nhân dân trong vùng đề án cũng như tuyên truyền, phổ biến và áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư thi công nâng cấp các công trình thủy lợi nội đồng, gia cố, nâng cấp bờ vùng, bờ thửa,…đảm bảo việc cung cấp, điều tiết nước họp lý cho các vùng sản xuất phục vụ mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
M. Trí
Bình luận