Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 00:11
Thứ ba, 01/03/2022 16:03
TMO - Thời gian vừa qua, tình trạng nhiều xe hàng thanh long bị tồn ứ dài ngày tại các cửa khẩu. Điều này, tác động trực tiếp đến chất lượng sản phẩm cũng như thu nhập của các nhà vườn. Yêu cầu đặt ra là cần đa dạng hóa các sản phẩm từ trái thanh long để giảm sức ép cho thị trường tiêu thụ.
Tại Bình Thuận, một lượng lớn thanh long đang vào vụ thu hoạch nhưng chưa tìm được đầu ra. Các chuyên gia cho rằng, cùng với thay đổi các tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường thì việc tăng cường đầu tư vào chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ thanh long là giải pháp cần thiết để giải tỏa sức ép tiêu thụ trái tươi cũng như hướng tới phát triển bền vững cây thanh long.
Tính đến đầu năm 2022, diện tích thanh long toàn tỉnh là 33.750 ha với sản lượng đạt 700.000 tấn/năm. Thanh long Bình Thuận chủ yếu được tiêu thụ ở 2 hình thức tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; trong đó thị trường nội địa chiếm khoảng 15% sản lượng. Riêng trong xuất khẩu, khoảng 2 - 3% sản lượng là theo đường chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu.
Nhiều nhà vườn tại tỉnh Bình Thuận đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn
Những năm qua, cây thanh long được xác định là cây trồng lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh với hơn 30.000 hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hàng năm tạo việc làm thường xuyên hàng nghìn lao động địa phương. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu của thanh long Bình Thuận chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất cây ăn quả.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, dịch covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc khiến sản xuất thanh long đối mặt với nhiều thách thức. Một số cửa khẩu tạm dừng hoạt động hoặc nhập khẩu nhưng với sản lượng thông quan rất hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ, xuất khẩu.
Theo một số nhà vườn ở huyện Hàm Thuận Bắc, mặc dù đang là mùa trái vụ, chi phí chong đèn cao nhưng giá thanh long tại vườn chỉ có giá 1.000- 2.000 đồng/kg; thậm chí thanh long chín đầy vườn nhưng chưa tìm được người mua.
Đầu ra trái tươi gặp khó, nhiều ý tưởng chế biến sâu trái thanh long đã được không ít doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng vào thực tế và tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ trái thanh long tươi. Ngoài rượu vang, mứt sấy dẻo, mứt sấy khô, kẹo thì thời gian gần trên thị trường xuất hiện thêm một số sản phẩm như kem thanh long, tương thanh long, mỳ tôm thanh long, rượu đế…
Nhiều giải pháp chế biến sâu thanh long được ứng dụng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm này
Việc tạo ra dòng sản phẩm chế biến ngay từ vùng nguyên liệu thanh long dồi dào là một hướng đi đúng đắn. Điều này không chỉ góp phần giải tỏa áp lực tiêu thụ trái trong những lúc dư thừa mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế cho thanh long Bình Thuận. Tuy nhiên, trên thực tế, nhìn chung, các cơ sở chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh hầu hết đều có quy mô nhỏ, công nghệ thấp nên chất lượng sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.
Các cơ sở tiến hành sản xuất rượu thanh long để đa dạng hóa các sản phẩm từ mặt hàng nông sản này
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị trái thanh long, tỉnh Bình Thuận mời gọi các tập đoàn lớn có năng lực cả về vốn lẫn kỹ thuật đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái thanh long tươi để làm cơ sở đầu tàu dẫn dắt, định hướng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản lợi thế của vùng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm chuyên ngành thực phẩm trong và ngoài nước ngoài nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long Bình Thuận.
Phạm Công
Bình luận