Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 11:11
Thứ tư, 27/11/2024 08:11
TMO – Các chủ đầu tư nhà máy điện có trách nhiệm bảo đảm nguồn nhiên liệu sơ cấp, thực hiện các cam kết trong hợp đồng và duy trì cơ sở hạ tầng tiếp nhận như cảng, kho bãi. Các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, khắc phục thiết bị, tập trung nâng cao khả dụng của tổ máy, nhất là trong giai đoạn cao điểm.
Tại Kế hoạch cung cấp điện quốc gia năm 2025, Bộ Công Thương yêu cầu Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) tính toán chính xác, minh bạch các giả thiết đầu vào và công bố kế hoạch vận hành chi tiết cho các đơn vị liên quan. NSMO phải định kỳ cập nhật kế hoạch cung cấp điện, báo cáo Bộ Công Thương về các thay đổi bất thường, đồng thời phối hợp chặt chẽ để huy động nguồn điện hiệu quả, bao gồm năng lượng tái tạo nhằm tối ưu hóa kinh tế - kỹ thuật cho toàn hệ thống. Trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện, NSMO phải báo cáo Bộ Công Thương để kịp thời triển khai các giải pháp điều chỉnh.
Đối với EVN, PVN, TKV, Tổng Công ty Đông Bắc, Bộ Công Thương yêu cầu: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát huy vai trò chủ đạo, phối hợp với NSMO trong điều độ vận hành hệ thống, bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn. EVN phải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập kế hoạch vận hành chi tiết theo từng năm, tháng, tuần và ngày, kể cả trong các tình huống cực đoan, đồng thời báo cáo Sở Công Thương địa phương khi phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền. EVN cũng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện trọng điểm, phối hợp với địa phương giải quyết khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tăng cường bảo dưỡng thiết bị để bảo đảm khả dụng cao nhất của tổ máy trong mùa khô. Ngoài ra, EVN phải triển khai các biện pháp tiết kiệm điện và làm việc với khách hàng lớn để chuẩn bị phương án điều chỉnh phụ tải trong trường hợp cần thiết.
Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là rất lớn. Do đó, cần đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất điện. Ảnh minh họa
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Khí Việt Nam có nhiệm vụ ưu tiên cung cấp khí cho các nhà máy điện khí, bảo đảm hiệu quả của chuỗi khí - điện. Các đơn vị này cần tuân thủ nghiêm ngặt các hợp đồng cung ứng nhiên liệu và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án năng lượng theo kế hoạch. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc phải đảm bảo cung cấp than đầy đủ, đúng loại cho các nhà máy nhiệt điện, đồng thời sửa chữa, bảo dưỡng tổ máy kịp thời để duy trì hoạt động liên tục. Các chủ đầu tư nhà máy điện có trách nhiệm bảo đảm nguồn nhiên liệu sơ cấp, thực hiện các cam kết trong hợp đồng và duy trì cơ sở hạ tầng tiếp nhận như cảng, kho bãi. Các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, khắc phục thiết bị, tập trung nâng cao khả dụng của tổ máy, nhất là trong giai đoạn cao điểm.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với các công ty điện lực tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện, giám sát và tham mưu cho chính quyền địa phương về quản lý nhu cầu phụ tải điện. Cục Điều tiết Điện lực chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá định kỳ việc thực hiện kế hoạch của NSMO, EVN và các đơn vị liên quan. Đơn vị này cũng cần theo dõi, xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra bất lợi pháp lý hoặc tài chính trong các hợp đồng mua bán điện quốc tế.
Liên quan đến Kế hoạch cung cấp điện năm 2025, tại cuộc họp ngày 14/11 vừa qua, NSMO đưa ra 3 kịch bản nhu cầu điện năm 2025, gồm kịch bản cơ bản với mức tăng trưởng 10,5% và 2 kịch bản tăng trưởng cao hơn nhằm dự phòng các trường hợp nhu cầu điện vượt trội. Cụ thể, kịch bản 1: Tăng trưởng 10,5% so với năm 2024, đạt 342,3 tỉ KWh. Kịch bản 2: Tăng trưởng 13,3%, đạt 351 tỉ KWh. Kịch bản 3: Tăng trưởng tới 14,3%, đạt 354 tỉ KWh.
Bộ Công Thương dự báo nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng mạnh với mức tăng trưởng tối thiểu 7% và có thể lên đến 11,5% theo phương án cơ sở. Với các kịch bản khác, tốc độ tăng nhu cầu có thể 12%-13%, thậm chí lên đến 13,5%-14% nếu nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao. Làn sóng chuyển dịch đầu tư quốc tế dự báo sẽ gia tăng khi các chính sách mới từ Mỹ có hiệu lực sẽ làm tăng nhu cầu điện phục vụ các dự án mới tại Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu điện cũng sẽ tăng cao để phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia, như hệ thống đường cao tốc và các khu công nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, khi đầu tư càng lớn thì nhu cầu năng lượng càng cao và việc chuẩn bị hạ tầng điện phải được ưu tiên. Trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII sẽ được rà soát, điều chỉnh nhằm tối đa hóa nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi), vấn đề đầu tư vào hệ thống lưu trữ và truyền tải điện sẽ đóng vai trò chủ đạo... thì việc xây dựng các kịch bản, phương án cần phải được xem xét tất cả yếu tố tác động.
Về việc bảo đảm cung cấp điện năm 2025, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương nhấn mạnh rất cần thiết phải bổ sung các nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là các nguồn chạy nền và cho khu vực phía Bắc. Do đó, Bộ Công Thương yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy điện bảo đảm đủ nhiên liệu phục vụ sản xuất điện; khẩn trương khắc phục sự cố, chủ động những điều kiện kỹ thuật và bảo đảm khả dụng của các tổ máy phục vụ phát điện theo nhu cầu của hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh đó, vận hành linh hoạt hồ chứa thủy điện, nhất là hồ chứa thủy điện đa mục tiêu, nhằm bảo đảm cung cấp điện các tháng mùa khô.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; rà soát, cập nhật, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc để kịp thời bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia. Bộ Công Thương yêu cầu tập trung chỉ đạo triển khai các công trình nguồn, lưới điện như: Nhơn Trạch 3-4, Quảng Trạch I, Vũng Áng II, dự án nâng công suất thủy điện Hòa Bình, thủy điện Ialy… Cần nghiên cứu, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí trong nước, điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời…; nghiên cứu việc tăng cường nhập khẩu điện ở mức độ phù hợp.
ĐOÀN VINH
Bình luận