Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 17:11
Thứ năm, 11/08/2022 19:08
TMO - Thông tin được đại diện Bộ Công Thương đưa ra tại Đối thoại chính sách cấp cao ASEAN về than vừa được tổ chức mới đây.
Theo đó, ASEAN hiện tại đang là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với thị trường năng động và nguồn dân số trẻ, trình độ cao. Năm 2021, nền kinh tế của khu vực đã tăng trưởng 3%, dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2022 và 5,2% năm 2023. Bộ Công thương cho rằng, với điều kiện tăng trưởng kinh tế như đã nêu trên, nhu cầu năng lượng của ASEAN sẽ tăng đáng kể, đến năm 2040 sẽ tăng khoảng 1,5 lần so với hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh các vấn đề an ninh năng lượng, hậu quả của nhu cầu năng lượng gia tăng này là sự gia tăng phát thải khí nhà kính (GHG), có khả năng đạt 4.171 triệu tấn CO2- eq vào năm 2040. Do đó, khu vực ASEAN cần ưu tiên quan tâm giải quyết hài hoà giữa nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng cao và các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Đến năm 2045, công suất các nhà máy điện than chỉ còn khoảng 13,2%.
Để giải quyết những lo ngại này, các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN đã thống nhất thông qua Kế hoạch chi tiết năng lượng khu vực, Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC). Cụ thể, giai đoạn II: Năm 2021-2025, ASEAN nhất trí rằng đổi mới sáng tạo là một thành phần quan trọng trong việc hài hoà giữa mục tiêu an ninh năng lượng và đảm bảo tính bền vững.
Các nền kinh tế ASEAN cũng không đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đầy thách thức này, khi lãnh đạo các nước đều đồng ý cần sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ sử dụng than sang năng lượng sạch. Hiện các nước ASEAN đã thành lập Trung tâm về Công nghệ Than sạch ASEAN vào ngày 30/9/2021 với vai trò là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của hợp tác khu vực về các quy trình sử dụng than sạch nhằm nâng cao hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với sự quan tâm đó, hệ thống điện quốc gia Việt Nam hiện đã có phát triển vượt bậc, đảm bảo cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Cụ thể, đến hết năm 2021, Việt Nam đã có 78.120MW tổng công suất lắp đặt nguồn điện và trở thành quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô hệ thống điện. Nhiệt điện hiện đang chiếm trên 32% tổng công suất nguồn điện toàn quốc và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII, theo đó đến năm 2030, công suất quy hoạch các nhà máy nhiệt điện than khoảng 37.476 MW, chiếm khoảng 25,7% tổng công suất các nguồn điện. Trong bối cảnh thuỷ điện đã tới hạn, điện khí gặp hạn chế do giá khí nhập khẩu cao và phụ thuộc thị trường thế giới, điện mặt trời công suất hạn chế nên từ nay tới năm 2030 nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện thì vai trò của nhiên liệu than trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia rất quan trọng.
Vũ Minh
Bình luận