Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ bảy, 26/02/2022 07:02
TMO - Thời gian gần đây, Việt Nam ngày càng quan tâm hơn tới việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Điều này đã tạo ra những chuyển biến tích cực, nhưng hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung của nền kinh tế vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Do đó, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là rất cấp thiết để tăng tính cạnh tranh và tăng hiệu quả của nền kinh tế.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực xây dựng, gần đây, việc vận hành các công trình trong ngành xây dựng có tác động không nhỏ vào hiệu quả sử dụng năng lượng quốc gia. Việc vận hành các toà nhà chiếm khoảng 35-40% tổng sản lượng điện tiêu dùng trên cả nước. Theo số liệu thống kê, khảo sát do Bộ Công Thương công bố, có khoảng 20- 25% năng lượng sử dụng lãng phí trong các toà nhà, đồng nghĩa rằng lãng phí khoảng 20% của 35 – 40% tổng lượng điện, tức là hơn gấp đôi sản lượng năng lượng tái tạo tính tới cuối năm 2020.
Vận hành các toà nhà chiếm khoảng 35-40% tổng sản lượng điện tiêu dùng trên cả nước.
Tại các nước phát triển, vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả liên quan tới an ninh năng lượng đã được nhìn nhận từ rất sớm. Họ chủ động đưa ra luật và các quy định bắt buộc về thiết kế để đảm bảo sử dụng năng lượng hiệu quả, thông qua các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Các yêu cầu này là bắt buộc phải có khi đệ trình hồ sơ cấp phép xây dựng.
Sau đó, xu hướng công trình xanh ra đời mang tính tự nguyện, nhưng bản chất việc tuân thủ các yêu cầu tối thiểu về năng lượng vẫn được lồng ghép vào trong các hệ thống đánh giá công trình xanh. Do đó, việc tuân thủ quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng vẫn là bắt buộc, còn đạt chứng chỉ xanh hay không chỉ là tự nguyện.
Hiểu một cách đơn giản, các hệ thống chứng chỉ xanh đều có sự tham khảo tới các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành khác, đặc biệt là các yêu cầu về thiết kế HVAC (sưởi, điều hoà thông gió), tiện nghi nhiệt, chiếu sáng, năng lượng…
Công trình xanh sẽ yêu cầu tuân thủ các yêu cầu trên theo dạng vượt lên trên yêu cầu tối thiểu 3-10% là yêu cầu tiên quyết. Nếu không thể đạt các yêu cầu này thì công trình đó sẽ không được cấp chứng chỉ mà không cần xét tiêu chí khác.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có quy định sử dụng năng lượng hiệu quả từ năm 2005 khi ban hành Quy chuẩn QCXDVN09:2005 về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Sau này, Bộ Xây dựng có điều chỉnh, bổ sung một số quy định trong QCVN 09:2013 và QCVN 09:2017.
Nhưng trong thực tế, quy chuẩn này chỉ được sử dụng như một tiêu chuẩn tự nguyện. Sự thẩm tra hồ sơ thiết kế và nghiệm thu sau xây dựng dành riêng cho QCVN 09 hầu như không tồn tại. Chính vì thế, Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc cần tính toán, phải làm để có thể tiến đến trung hòa carbon vào năm 2050.
Lê Hùng
Bình luận