Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 07:11
Thứ bảy, 30/03/2024 07:03
TMO - Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn độc lập để thẩm tra Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên khác.
Theo đó, Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Chính phủ quy định rõ, hàng năm, EVN có trách nhiệm gửi Bộ Công Thương Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện. Căn cứ Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính của EVN và các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán theo quy định, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, với sự tham gia của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan Nhà nước và các hiệp hội có liên quan. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương yêu cầu EVN thuê tư vấn độc lập để thẩm tra Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên.
(Ảnh minh họa)
Theo Quy định, trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương công bố công khai kết quả kiểm tra. Kết quả kiểm tra được công bố công khai trên trang Thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Nội dung kiểm tra, giám sát và công bố công khai bao gồm: chi phí thực tế thực hiện các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, điều hành - quản lý ngành) và các khoản chi phí khác quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định trên; giá bán lẻ điện bình quân thực hiện của EVN; kết quả kinh doanh lỗ, lãi về hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN; các chi phí chưa được tính vào giá điện từ lần điều chỉnh gần nhất nhưng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN; các chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN.
Trường hợp EVN quyết định điều chỉnh giá bán điện bình quân hoặc trình Bộ Công Thương hồ sơ phương án giá điện, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét kiểm tra các báo cáo, tính toán của EVN. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà EVN không điều chỉnh giảm, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân. EVN có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán giá điện, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán điện bình quân. EVN có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
VĂN NHI
Bình luận