Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Chủ nhật, 04/12/2022 06:12
TMO - Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dẫn đầu khu vực về sản xuất hydrogen xanh nhờ nằm ở vị trí thu hút nhiều nắng gió để phát triển năng lượng sạch, qua đó góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng xanh từ năng lượng tái tạo.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dẫn đầu khu vực về sản xuất hydrogen xanh nhờ nằm ở vị trí thu hút nhiều nắng gió để phát triển năng lượng sạch. Theo Tổ chức Năng lượng Đan Mạch, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi đạt 160 - 310 GW, thuộc hàng cao nhất trong số các nước ASEAN, gần gấp đôi nhu cầu năng lượng hiện tại của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đã dẫn đầu về thành tựu năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á. Điện gió và điện Mặt Trời chiếm hơn 1/4 công suất năng lượng của Việt Nam, và con số đó thậm chí còn chưa bao gồm năng lượng sạch đến từ thủy năng, chiếm gần 1/3 nguồn cung cấp năng lượng của Việt Nam. Giờ đây, Việt Nam có cơ hội vươn lên dẫn đầu hơn nữa trong khu vực với việc sản xuất hydrogen sạch.
Viện Năng lượng cho biết, nhu cầu về hydrogen có tiềm năng trong các ngành điện, ngành thép, ngành hóa chất bao gồm cả hóa dầu, ngành giao thông. Các tính toán ban đầu cho thấy tiềm năng sản xuất năng lượng hydrogen sạch của Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh so với Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên cạnh nhiều lợi thế, Việt Nam cũng nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu.
Việt Nam có cơ hội vươn lên dẫn đầu hơn nữa trong khu vực với việc sản xuất hydrogen sạch (Ảnh minh họa)
Thông tin tại hội thảo "Hydrogen - ứng dụng, công nghệ và phát triển" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) kết hợp Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Sở Công Thương tổ chức cho biết, hydrogen được coi là công nghệ dẫn đầu cho nỗ lực khử cacbon trên toàn cầu, hydrogen là một trong những nguồn nhiên liệu thay thế sạch nhất khi được sản xuất từ năng lượng gió và mặt trời. Với xu hướng giá năng lượng toàn cầu đang tăng lên, cần thiết phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá Việt Nam là quốc gia tiềm năng về hydrogen.
Trong đó, nếu hydrogen xám được tạo ra với nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch thì hydrogen xanh được tạo ra thông qua quá trình điện phân nước với 100% hoặc gần 100% năng lượng tái tạo, cho lượng khí thải nhà kính gần như bằng 0 (dưới 1 kg CO2 trên mỗi kg H2 được tính là mức trung bình trong khoảng thời gian 1 năm). Hydrogen sạch có thể được trộn với các nguyên liệu truyền thống như khí gas để giảm khí thải và có nhiều ứng dụng trong nhiều ngành khác nhau như thép, hóa chất, phân bón, và công nghiệp vận tải. Hydrogen cũng có thể được sử dụng cho mục đích tích lũy năng lượng, cung cấp năng lượng sạch thay thế.
Đánh giá Việt Nam có cơ hội lớn để dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất hydrogen sạch, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết Hoa Kỳ luôn đi hàng đầu trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang ngành năng lượng sạch, an toàn và định hướng thị trường. Hoa Kỳ hợp tác cùng Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển xanh thông qua các nguồn năng lượng tái tạo, đem lại một môi trường trong lành hơn cho người dân, đồng thời phát triển nền kinh tế xanh. Qua đó, Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ 36 triệu USD thông qua Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam do USAID triển khai. USAID cũng có nhiều dự án khác và đang cam kết tài trợ hơn 90 triệu đôla để giảm phát thải, duy trì đa dạng sinh học và thúc đẩy phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam.
Trước xu hướng toàn cầu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, vai trò của công nghệ hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh ngày càng lớn. Khi giá năng lượng đang ngày càng tăng cao, việc chuyển đổi sang năng lượng xanh càng trở nên cấp thiết. Đây là một phần trong hoạt động của dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam do USAID triển khai, từ đó cung cấp nền tảng quan trọng để Việt Nam tìm hiểu về hydrogen như một phương thức nhằm đạt được các cam kết COP26 là đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam phối hợp với TP Đà Nẵng, TP.HCM cùng các đối tác khu vực tư nhân, mục tiêu cải thiện môi trường chính sách ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khai thác các giải pháp năng lượng sạch, huy động nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng và triển khai các giải pháp năng lượng đổi mới sáng tạo.
Đức Toàn
Bình luận