Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 13:01
Thứ tư, 27/04/2022 10:04
TMO – Vùng ven biển Hải Tiến không phù hợp với loại hình du lịch sinh thái, cần huy động nguồn lực địa phương phát triển du lịch theo hướng nông thôn bền vững.
Tận dụng lợi thế, đầu tư thúc đẩy khai thác du lịch đang là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm. Vùng biển Hải Tiến (xã Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa là địa phương có lợi thế để phát triển du lịch, tuy nhiên việc phát triển du lịch theo hướng nào vẫn đang là bài toán khó tìm lời giải, bởi nếu phát triển không đúng hướng sẽ không hiệu quả, gây lãng phí.
Trong buổi làm việc mới đây, các chuyên gia thuộc Hội đồng Khoa học của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng, vùng ven biển Hải Tiến chưa có những đặc thù nổi trội để phát triển du lịch sinh thái.
Các chuyên gia thảo luận về phát triển du lịch ven biển Hải Tiến.
Thay vào đó, cần nghiên cứu phát triển du lịch theo hướng bền vững. Chụ thể, theo các chuyên gia, du lịch Hải Tiến nên gắn với các hoạt động nông thôn (phát triển nông thôn mới kiểu mẫu). Xây dựng các sant phẩm du lịch mang tính đặc thù như: trải nghiệm phương thức sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, làng nghề, sản phẩm OCOP, di tích lịch sử văn hoá, trồng cây xanh bảo vệ môi trường… từ đó sẽ làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên để nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững.
Đoàn công tác của VACNE làm việc với UBND huyện Hoằng Hóa trong buổi hội thảo hôm 19/4 tại Thanh Hóa.
Trước đó, đoàn công tác của VACNE gồm các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về môi trường - du lịch đã có chuyến khảo sát thực địa tại khu vực biển Hải Tiến. Trong chuyến khảo sát này, đoàn đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương về phát triển du lịch xanh, bền vững với vai trò là tổ chức tư vấn, nghiên cứu và xây dựng phương án hỗ trợ địa phương phát triển du lịch.
Qua chuyến khảo sát thực địa, các chuyên gia không chỉ nắm rõ những ý kiến và nguyện vọng của cán bộ, nhân dân trong khu vực, mà còn thu thập được nhiều tư liệu và hình ảnh thực địa, thuộc nhiều lĩnh vực, Từ các số liệu tổng hợp về tài nguyên, thiên nhiên môi trường… đến trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng, cơ cấu ngành nghề.
Từ chuyến đi khảo sát, đánh giá và thu thập thông tin, tài liệu do địa phương cung cấp các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận, phân tích rõ các yếu tố mang tính thực tiễn, có hàm lượng khoa học cao để hỗ trợ địa phương tìm lời giải phù hợp cho bài toán phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Phạm Dung
Bình luận