Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ bảy, 06/08/2022 06:08
TMO - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong những tháng đầu năm 2022, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ. Hầu hết các địa phương đã ban hành Đề án, Kế hoạch chuyển đổi số và triển khai vào thực tế sản xuất đối với một số lĩnh vực gồm: chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng…
Theo kế hoạch, trong năm 2022, Bộ NN&PTNT sẽ chú trọng chuyển đổi số đối với 2 lĩnh vực gồm: chăn nuôi và trồng trọt. Đến nay, việc công bố cơ sở dữ liệu chăn nuôi đã được thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi, đồng thời chủ động kết nối về thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Nhấn mạnh số hóa là thước đo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng với cây thanh long và lúa gạo trong năm 2022 để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số.
Theo đó, từ nay đến cuối năm 2022, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng với cây thanh long và lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp và người trồng thanh long trong việc tổ chức sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.
Dự kiến ngày 19/8 hệ thống thông tin và dữ liệu cấp và quản lý mã số vùng trồng đối với trái thanh long sẽ được công bố.
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, dự kiến ngày 19/8 hệ thống thông tin và dữ liệu cấp và quản lý mã số vùng trồng đối với trái thanh long sẽ được công bố. Đối với cấp và quản lý mã số vùng trồng đã hoàn thiện xong phần mềm trên trang thông tin điện tử và app điện thoại. Cục sẽ phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam đi thực tế một số địa phương để hướng dẫn cho nông dân và cơ quan chuyên môn áp dụng.
Trong đó, ưu tiên những nội dung cập nhật phục vụ cho việc quản lý của ngành và các địa phương là thông tin, dữ liệu về danh mục giống lưu hành; giống cây trồng được bảo hộ; diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, văn bản quy phạm pháp luật.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN&PTNT diễn ra chiều ngày 3/8, ông Đặng Duy Hiển - Phó Chánh văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết, để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong tái cơ cấu nông nghiệp cần hình thành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, thiết bị, phần mềm và triển khai dịch vụ cho thuê nhằm đảm bảo phát triển bền vững các nền tảng cho chuyển đổi số những lĩnh vực mà Bộ đang triển khai.
Đồng thời, cần hình thành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống chuyển đổi số đối với các hạng mục chuyên ngành của nông nghiệp theo hình thức doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và thiết bị đồng thời xây dựng phần mềm dùng thử. Trong thời gian thử nghiệm nếu đạt yêu cầu thì sẽ thuê lại để doanh nghiệp vận hành quản lý, qua đó tiết kiện được chi phí đầu tư và bảo dưỡng nhưng tạo được sự lan tỏa nhanh và bền vững trong quá trình triển khai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên cơ sở lấy ý kiến các Bộ ngành và địa phương, Bộ đang hoàn thiện Đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp, dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong năm nay. Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và thành viên Ban chỉ đạo phải bám sát nội dung được giao chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Thanh Tùng
Bình luận