Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
TMO - “Tăng cường năng lực chuyển đổi năng lượng tái tạo và quản lý chất thải vì môi trường bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long” là một trong những nội dung quan trọng được trình bày tại Toạ đàm được tổ chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vừa qua.
Cụ thể, ngày 21/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Tăng cường năng lực chuyển đổi năng lượng tái tạo và quản lý chất thải vì môi trường bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long” ( Dự án K1) tại Sóc Trăng.
Tham dự toạ đàm có đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng; bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid tại Việt Nam; ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ AFV, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Quách Thị Thanh Bình- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng của địa phương. Trong đó, tôm nước lợ được xem là đối tượng nuôi chủ lực, với sản lượng xếp ở vị trí thứ ba, so với các tỉnh trong vùng.
Năm 2023, tỉnh Sóc Trăng có diện tích thả nuôi tôm hơn 53.511ha, sản lượng đạt hơn 206.334 tấn, kim ngạch xuất khẩu 925 triệu USD. Với diện tích nuôi tôm lớn, để bảo vệ tốt môi trường vùng nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã vận động, tuyên truyền hộ nuôi tôm nâng cao nhận thức cũng như thực hiện xử lý nguồn chất thải nuôi tôm, thông qua hệ thống biogas; kiểm soát nguồn nước tuần hoàn và nước trước khi thải ra môi trường tự nhiên phải xử lý đạt yêu cầu mới xả thải.
Hiện nay vùng đồng bằng sông Cửu Long đang hướng tới nuôi tôm phát thải thấp, nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững. (Ảnh minh hoạ).
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu tham dự đã được xem các thước phim về hành trình nuôi tôm phát thải thấp. Đồng thời lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Kinh nghiệm sử dụng biogas, giảm phát thải rắn trong nuôi trồng thủy sản; lập và giới thiệu kế hoạch hợp tác triển khai các mô hình giảm phát thải rắn tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng…
Bên cạnh đó, quá trình triển khai và nhân rộng mô hình biogas, quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý rác thải rắn lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng được chia sẻ.
Đồng thời các vị đại biểu cũng được nghe những ý kiến tham vấn từ các đối tác và đại diện các đơn vị liên quan về kế hoạch thực hiện Dự án K1 để triển khai phù hợp với đặc thù địa phương.
Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid tại Việt Nam cho biết, sẽ quyết tâm thực hiện Dự án Tổ chức ActionAid tại Việt Nam giai đoạn 2, năm 2025 - 2026 tại tỉnh Sóc Trăng. Mong muốn 5 huyện được lựa chọn triển khai dự án tại tỉnh Sóc Trăng sẽ tích cực tham gia dự án. Cùng với đó, tổ chức sẽ hợp tác với các đơn vị liên quan, tiếp tục phát triển phương pháp thu và đo trực tiếp khí phát thải nhà kính; đánh giá thực trạng phát thải rắn trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam. Tiếp tục thực hiện xây dựng thương hiệu tôm phát thải thấp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm, Dự án Tăng cường năng lực chuyển đổi năng lượng tái tạo và quản lý chất thải vì môi trường bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (Dự án K1), với mục tiêu là xây dựng môi trường bền vững, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ góp phần giúp tỉnh Sóc Trăng phát triển tốt nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và các đối tác có liên quan để triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng hệ thống biogas vào việc xử lý, kiểm soát chất thải trong hoạt động nuôi tôm nước lợ” tại vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh.
Thế Quyền
Bình luận