Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 17:11
Thứ tư, 01/03/2023 13:03
TMO - Những năm trở lại đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Những mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm 2022 toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 2.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và trồng cây lâu năm. Trong đó, chuyển đổi được gần 210 ha sang trồng cây hàng năm và chuyển đổi gần 1.700 ha sang trồng cây ăn quả. Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích, xong vẫn đảm bảo giữ nguyên mục đích sử dụng là đất trồng lúa.
Thời gian qua toàn tỉnh có 6.226,5 ha đã lập hồ sơ chuyển đổi theo quy định, trong đó chuyển đất lúa sang trồng cây lâu năm là 6.062,5ha, sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là 164 ha. Hiện nay, tại các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây rau màu và cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt các mô hình ứng dụng công nghệ cao (nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động vào sản xuất…) cho thu nhập trung bình từ 110- 150 triệu đồng/ha, cao gấp 8-10 lần so với trồng lúa...
Có thể kể đến mô hình chuyển đổi cây có múi tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn cho thu nhập bình quân trên 350 triệu/ha/năm; mô hình chuyển đổi sang trồng ổi Đài Loan, tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên hiệu quả kinh tế sau khi chuyển đổi cao trên 10 lần so với trồng lúa lợi nhuận trên 800 triệu đồng/ha/năm; mô hình sản xuất khoai tây tại các huyện Lục Nam; Tân Yên; Yên Dũng; Sơn Động... với quy mô từ 20- 50 ha/vùng lợi nhuận đạt trên 30 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất hành tại xã Bảo Đài cho thu nhập trên 30- 40 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất hoa tập trung tại xã Dĩnh Trì, TP.Bắc Giang cho thu nhập trên 450 triệu đồng/ha/năm...
Chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng cam Đường Canh tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn. Ảnh: BBG.
Với mục tiêu nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu chuyển đổi 6,1 nghìn/55 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản, trong đó năm 2021 chuyển 825 ha. Để thực hiện, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương vận động người dân chuyển đổi, tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ đối với diện tích đất lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi.
Trong năm 2023, tỉnh Bắc Giang chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang cây lâu năm là 1.208,2 ha, sang cây hàng năm là 231,9ha, sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 181,6ha. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đẩy mạnh thúc đẩy chuyển đổi đất lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đồng thời tăng cường giới thiệu, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ sản phẩm để ngành nông nghiệp tỉnh có những bước chuyển bền vững và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Sở NN& PTNT cũng đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT tham mưu cho Chính phủ xem xét đưa ra chính sách đặc thù cho phép các vùng sản xuất lúa hiệu quả thấp ở các xã miền núi là vùng trọng điểm cây ăn quả được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình yên tâm đầu tư sản xuất bền vững.
Nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm cho hiệu quả kinh tế ổn định.
Trước đó, tại kế hoạch số 470/QĐ-BNN-TT vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, trong năm 2023, cả nước dự kiến thực hiện chuyển đổi khoảng 146.460ha cây trồng trên đất lúa. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm là gần 79.882ha, cây lâu năm là hơn 24.854ha và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản vào khoảng 16.869ha.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là khu vực có diện tích thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa lớn nhất của cả nước với gần 85.978ha. Tiếp đến là khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với gần 17.915ha; Vùng Đồng bằng sông Hồng (14.637ha); Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (hơn 10.688ha)… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Trổng trọt hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản trên phạm vi toàn quốc trong năm 2023. Tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Đối với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm lập và trình UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2023 trên phạm vi của tỉnh. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Đồng thời tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện trước ngày 31/12/2023.
Minh Hải
Bình luận