Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 01:01
Thứ năm, 23/05/2024 14:05
TMO - Cần có những chính sách kịp thời, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội về việc làm cho lao động nông thôn. Mỗi địa phương cần có những chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến mở rộng sản xuất phát triển kết cấu hạ tầng, tận dụng thế mạnh của các địa phương để phát triển kinh tế bao gồm cả nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Như đã đề cập trong bài đầu “Yếu tố ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của lao động nông thôn”, lao động nông thôn, việc làm liên quan đến các yếu tố như đất đai, tư liệu lao động, công cụ lao động, kỹ năng nghề và vốn sản xuất. Các yếu tố này hợp thành và tác động mạnh đến đời sống của lao động nông thôn. Giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn sẽ góp phần phát triển ngành nông nghiệp, đồng thời, là tiền đề quan trọng để phát triển đất nước.
Theo các chuyên gia, để giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm và gia tăng thu nhập cho lao động nông thôn, cần tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, cần coi việc nâng cao trình độ cho lao động nông nghiệp là một điểm đột phá nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần thiết thực, hiệu quả, gắn với thực tiễn sản xuất của địa phương để nông dân vừa có thể học nghề, vừa có thể áp dụng ngay vào sản xuất canh tác. Bên cạnh đó, cần có những chính sách tích cực trong việc giới thiệu việc làm cho lao động đã qua đào tạo, tìm đầu ra cho sản phẩm để những người đã tham gia đào tạo nghề tích cực phát triển sản xuất, tạo việc làm cho bản thân và cho ngước khác.
(Ảnh minh họa)
Cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhà nước cần có những chính sách kịp thời, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội về việc làm cho lao động nông thôn. Mỗi địa phương cần có những chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến mở rộng sản xuất phát triển kết cấu hạ tầng, tận dụng thế mạnh của các địa phương để phát triển kinh tế bao gồm cả nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, điều này sẽ có vai trò to lớn trong giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với các làng nghề truyền thống trong đào tạo nghề và tiêu thụ sản phẩm.
Cần tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để sản xuất. Theo đó, vốn là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của lao động của nông dân ở các địa phương. Việc cung cấp vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của các hộ nông dân là hết sức cần thiết. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách cụ thể thiết thực để giúp nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận vốn tín dụng; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho nông dân; đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với lĩnh vực nông nghiệp như cho vay liên kết, cho vay qua tổ, nhóm. Thực tế cho thấy, người nông dân nhiều khi đã tiếp cận được nguồn vốn nhưng không dám vay vốn vì không biết đầu tư vào đâu, vay vốn làm gì và làm như thế nào. Vì vậy, cần kết hợp việc cung cấp vốn cho nông dân với công tác khuyến công và khuyến nông, giúp người nông dân sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.
Cần tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản suất. Theo các chuyên gia, để tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, Nhà nước cần triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, như: tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về những mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân.
Các chuyên gia cho rằng, trong lĩnh vực trồng trọt, người dân cần sử dụng giống lúa có chất lượng cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý đất; ủ phân hữu cơ; thuốc bảo vệ thực vật sinh học; sản xuất rau quả trong nhà màng, nhà lưới áp dụng biện pháp tưới và cung cấp dinh dưỡng tự động... Trong chăn nuôi, cần đầu tư xây dựng hệ thống chuồng khép kín; ứng dụng hệ thống làm mát chuồng trại; sử dụng máng ăn, uống nước tự động; sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải; nhất là các loại máy móc hiện đại để phối trộn thức ăn với men vi sinh... Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng có ý nghĩa rất to lớn trong phát triển kinh tế nông thôn. Điều đó làm bớt đi sự nặng nhọc của nông dân, chuyển được lao động sang làm nghề khác dẫn đến thu nhập của người nông dân tăng.
Tuy nhiên, để tăng cường cơ giới hóa trong nông nghiệp thì cần đẩy mạnh xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông và hệ thống điện nông thôn nhằm tăng hiệu quả hoạt động của máy móc thiết bị. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hợp lý là vô cùng quan trọng. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng khoa học kỹ thuật mới, đưa giống cây trồng và gia súc mới vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ công nghệ cao./.
Yếu tố ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của lao động nông thôn
LÝ LAN
Bình luận