Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 23:02
Thứ ba, 18/02/2025 06:02
TMO - Hiện nay, nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Quảng Hoà (tỉnh Cao Bằng) đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chú trọng gia tăng diện tích các loại rau màu theo hướng hàng hóa, mang tới những sản phẩm nông nghiệp đa dạng, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Từng bước thay đổi phương pháp sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, những năm gần đây, huyện Quảng Hoà (tỉnh Cao Bằng) tập trung mở rộng tích tích rau màu với đa dạng các loại rau, củ, quả theo mùa. Vì vậy, huyện đã xây dựng thành công mô hình trồng rau màu tập trung, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Là vùng có khí hậu ôn hòa, điều kiện tự nhiên về đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi, Quảng Hòa có tiềm năng phong phú, đa dạng trong phát triển nông nghiệp. Là huyện có điều kiện thuận lợi đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung, hình thành các vùng chuyên canh lúa, mía, cây ăn quả, thủy sản…, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tận dụng nguồn đất đai màu mỡ, người dân xác định “không để đất nghỉ”, tranh thủ thời gian, thời tiết thuận lợi xen canh, gối vụ trồng các loại rau, củ, quả ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ như: cà chua, cải bắp, su hào, súp lơ xanh, rau gia vị...
Bên cạnh canh tác theo phương thức truyền thống, nhiều hộ nông dân áp dụng các mô hình trồng rau sạch theo hướng VietGAP an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Theo người dân, rau vụ đông dễ trồng, nhanh phát triển, thời gian trồng đến thu hoạch khoảng 35 - 40 ngày, mang lại thu nhập cao. Là địa phương có truyền thống sản xuất vụ đông, người dân xã Quảng Hưng chủ động đưa các loại rau màu có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống cho bà con.
Để phát triển vùng rau màu, Lãnh đạo xã Quang Hưng chỉ đạo, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, lựa chọn cây trồng phù hợp với thời vụ, thổ nhưỡng. Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, khuyến khích người dân đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước tự động… để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Hiện nay, diện tích trồng rau của xã 23,1 ha, tập trung tại các xóm: Đầu Cầu 1, Đầu Cầu 2, Bản Làng. Từ trồng rau, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Rau màu được xác định là cây vụ đông chủ lực, ngoài việc cung cấp thực phẩm hằng ngày cho người dân, còn được bán ra thị trường đem lại hiệu quả kinh tế.
Với mục tiêu không cho đất nghỉ, nông dân vừa thu hoạch, vừa tiến hành chăm sóc các loại cây trồng xen canh để đảm bảo gối vụ liên tục. Hiện thị trường tiêu thụ và giá bán các loại rau, củ, quả khá ổn định, cao hơn hẳn so với vụ đông năm 2024. Vụ Đông năm nay, huyện Quảng Hoà trồng 810 ha cây trồng các loại, trong đó, 10 ha khoai tây, năng suất ước đạt 115 tạ/ha, sản lượng ước đạt 115 tấn; 350 ha rau các loại, năng suất ước đạt 120 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4.200 tấn; 70 ha ngô sinh khối, năng suất ước đạt 300 tạ/ha, sản lượng ước đạt 2.100 tấn; 250 ha thuốc lá, năng suất ước đạt 25 tạ/ha, sản lượng ước đạt 625 tấn...
Người dân huyện Quảng Hoà thu hoạch cải thảo. (Ảnh: MX).
Triển khai mô hình trồng khoai tây vụ Đông gắn với thị trường liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô 6,5 ha với 55 hộ dân xã Phi Hải tham gia, kinh phí thực hiện mô hình hơn 430 triệu đồng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quang Hòa khẳng định, với mục tiêu nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác, huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh việc đa dạng hóa cây trồng, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; liên kết với các doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhất là các loại cây rau màu giá trị nhằm tăng giá trị kinh tế trong sản xuất và thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó tiếp tục quy hoạch vùng chuyên canh cho từng loại cây trồng, mô hình, dự án; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các mô hình trồng rau, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra các loại nông sản sạch. Với lợi thế diện tích màu mỡ, việc mở rộng diện tích sản xuất rau màu ở Quảng Hoà là hướng đi tích cực trong chuyển đổi cây trồng, thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng trên cùng diện tích đất canh tác.
Để cây rau màu phát triển tốt nhất, ngành nông nghiệp huyện Quảng Hoà tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động cung ứng giống, phân bón kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp; điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo sinh vật gây hại, phát hiện sớm các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Phân công cán bộ bám sát cơ sở nắm chắc diễn biến của dịch hại, tình hình sản xuất trên từng địa bàn để hướng dẫn các địa phương và nông dân trong việc áp dụng cơ cấu giống, mùa vụ và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bón phân trên các loại cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Từ đó mang lại năng suất tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường, đưa cây rau màu thực sự là nông sản sản xuất chính, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Hồng Quế
Bình luận