Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 27/04/2025 21:04
Chủ nhật, 27/04/2025 06:04
TMO - Trước áp lực ngày càng lớn về môi trường từ quá trình công nghiệp hóa, tỉnh Gia Lai đang ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp và khu dân cư. Mục tiêu đến năm 2025, khoảng 92% khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật.
Quyết định số 377/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng về môi trường nhằm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường.
Quy hoạch vùng Tây Nguyên bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 05 tỉnh gồm, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của quy hoạch là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Với mục tiêu cụ thể về môi trường, Tây Nguyên phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Bên cạnh việc định hướng phát triển các ngành có lợi thế của Vùng thì việc bảo vệ môi trường cũng là những vấn đề cấp thiết được đưa ra tại Quy hoạch.
Đối với phương án phát triển mạng lưới thoát nước, xử lý nước thải, Quy hoạch nêu rõ Tây Nguyên cần xây dựng hệ thống thoát nước riêng tại các đô thị mới bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn thiết kế;
Để triển khai có hiệu quả Quyết định số 377/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương vùng Tây Nguyên nói chung và đặc biệt tỉnh Gia Lai nói riêng đã phấn đấu các mục tiêu cụ thể.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 987/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24-01-2025 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông, đồng thời triển khai có hiệu quả Quyết định số 377/QĐ-TTg nêu trên.
Gia Lai phấn đấu đên hết năm 2025, 92% khu công nghiệp trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn.
Theo kế hoạch, tỉnh Gia Lai phấn đấu đến ngày 31-12-2025 đạt được các mục tiêu: 92% các khu công nghiệp, 60% cụm công nghiệp trên địa bàn có hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 30% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý; 40% nước thải sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng các biện pháp tập trung hoặc phân tán phù hợp.
Để đạt được kế hoạch, tỉnh Gia Lai đã đề ra một số giải pháp như, triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) trong việc BVMT nước mặt; xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ nội tỉnh và nguồn nước mặt khác có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời, công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt và tổ chức hoạt động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn thải, giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện kịp thời các giải pháp nhằm đầu tư đồng bộ công trình hạ tầng về BVMT cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung và khu, cụm công nghiệp.
Huy động nguồn lực thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải tập trung đối với nước thải sinh hoạt từ khu dân cư và khu, cụm công nghiệp; thống kê và phân loại các nguồn thải có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông, suối.
Lập danh mục nguồn thải để kiểm soát chặt chẽ; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm (nếu có) về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nguồn thải có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông suối; tham mưu đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ để đầu tư, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đối với khu vực dân cư. Ngoài ra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vị trí, điểm quan trắc môi trường định kỳ theo Chương trình quan trắc môi trường tỉnh Gia Lai được phê duyệt.
Điều này nhằm theo dõi diễn biến chất lượng nước mặt tại các sông, suối; điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nhằm tạo nguồn thu vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các hoạt động khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các lưu vực sông, suối theo quy định...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Công văn 991/UBND-CNXD gửi các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên; UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường.
Tỉnh Gia Lai đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức BVMT, hạn chế/chấm dứt xả thải ra sông suối trong cộng đồng dân cư.
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở NN&MT hướng dẫn, định hướng các chủ đề truyền thông về bảo vệ môi trường vào các ngày lễ môi trường hàng năm như Ngày Môi trường thế giới (05/6), Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn.
Phối hợp các cơ quan truyền thông tăng cường các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, phát huy mặt tích cực của mạng xã hội. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả các yêu cầu nhiệm vụ tại Kế hoạch số 2270/KH-UBND ngày 02/10/2024 của UBND tỉnh về triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, cấp giấy phép về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Yêu cầu chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào hoạt động, đảm bảo phải có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn hiện hành; nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của hồ sơ pháp lý về môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc phê duyệt thực hiện quan trắc tự động hoặc định kỳ chất lượng nước thải trước khi xả thải.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, cảnh báo, đề xuất xử lý các trường hợp xả thải vượt quy chuẩn. Mở rộng mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường đảm bảo liên tục cập nhật thông tin về chất lượng môi trường.Thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt vào cơ sở dữ liệu ngành Môi trường.
UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong việc bảo vệ môi trường nước mặt. Công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt; tổ chức hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước mặt; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Việc ưu tiên đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, khu dân cư không chỉ thể hiện cam kết của Gia Lai trong công tác bảo vệ môi trường mà còn là bước đi quan trọng nhằm hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững cho hiện tại và giai đoạn tiếp theo.
Bảo Hưng
Bình luận