Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ năm, 25/08/2022 20:08
TMO - Sơn La là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng cà phê chè (Arabica) lớn nhất cả nước. Cùng với những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cà phê, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, tỉnh Sơn La yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến.
Theo báo cáo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sơn La có độ cao trung bình trên 600m so với mặt nước biển, tuy không được trồng ở vùng đất đỏ bazan và không nằm ở độ cao lý tưởng như các tỉnh Tây Nguyên; song Sơn La có các nhóm đất đỏ vàng thích hợp với cây cà phê Arabica phát triển trên các sườn dốc của các dãy núi thấp hoặc trên các vùng đồi bát úp của cao nguyên Sơn La-Nà Sản.
Cây cà phê Chè (Arabica) thường có giá trị cao gấp 1,5-2 lần so với cây cà phê vối (Robuta). Chính vì vậy trong những năm gần đây, diện tích cà phê tại Sơn La ngày càng được mở rộng. Theo thống kê đến năm 2021, diện tích cà phê toàn tỉnh đạt gần 18.000ha chủ yếu tập trung ở 03 huyện, thành phố là Mai Sơn, Thuận Châu, thành phố Sơn La.
Tỉnh Sơn La yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở xay xát, chế biến cà phê
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, qua kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở chế biến cà phê tập trung cho thấy, các cơ sở cơ bản có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực khác có liên quan.
Với các hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, các huyện, thành phố đã thành lập các đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết dừng hoạt động sản xuất với các cơ sở không đảm bảo về môi trường. Trong niên vụ cà phê năm nay, các hộ sản xuất đã có nhiều ý thức về đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải và hoàn thiện các thủ tục môi trường theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã kiên quyết kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến cà-phê, đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục bằng camera giám sát truyền thực tiếp qua app điện thoại về các thết bị di động thông minh để cập nhật, giám sát.
Các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý chất thải tại các cơ sở chế biến cà phê. Ảnh: Văn Ngọc
Để các cơ sở tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc tương đương), thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong quá trình hoạt động sản xuất.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh, đầu tư thâm canh cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với cây trồng như: Sử dụng phân hữu cơ sinh học, tưới tiết kiệm nước... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong việc chế biến cà phê. Bố trí diện tích đất thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến cà phê tại khu công nghiệp, khu nằm ngoài vùng hành lang bảo vệ nguồn nước hang Tát Tòng, suối Nậm La trên địa bàn các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, thành phố Sơn La.
Để nâng cao chất lượng cà phê, tiêu thụ hết sản lượng cho người dân với giá có lợi nhất, vừa đảm bảo hoạt động sơ chế, chế biến cà phê không gây tác động tới môi trường, UBND Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường rà soát, lập danh sách toàn bộ cơ sở xay xát, sơ chế, chế biến cà phê, chế biến nông sản, chăn nuôi quy mô trang trại để ký cam kết với Chủ tịch UBND cấp xã về công tác bảo vệ môi trường.
Tỉnh Sơn La tập trung triển khai Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường.
Vừa qua, nhằm phát triển thương hiệu cà phê Sơn La, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, phát triển ổn định diện tích cà phê toàn tỉnh 17.000 ha; năng suất bình quân đạt từ 2 - 2,5 tấn cà phê nhân/ha; sản lượng cà phê nhân ước đạt 33.600 tấn.
Cải tạo, trồng tái canh cà phê đến năm 2025 với diện tích khoảng 8.000 ha; có khoảng 70 - 90% diện tích cà phê cho thu hoạch sản phẩm được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận. Duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”. Dự kiến hàng năm xuất khẩu 25.000 - 30.000 tấn cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và các nước khu vực Nam Mỹ…
Định hướng đến năm 2030, phát triển cà phê theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đầu tư thâm canh bằng giống cà phê mới, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường. Mục tiêu ổn định diện tích 16.000 ha; sản lượng cà phê nhân 35.000 tấn/năm; thực hiện tái canh đạt 9.800 ha; phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha; phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững đạt khoảng 13.500 ha.
Lê Hồng
Bình luận