Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/07/2025 12:07
Thứ bảy, 12/07/2025 06:07
TMO - Tại Nghị định số 131/2025/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy, chính quyền cấp xã sẽ được giao nhiều thẩm quyền mới trong quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý rừng như phê duyệt phương án sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; Xét duyệt báo cáo về kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng; Phân loại rừng…
Theo đó, Chính quyền cấp xã sẽ được giao 21 thẩm quyền quản lý rừng trong đó chủ tịch UBND xã được giao 9 thẩm quyền quan trọng như giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Cụ thể, Hội đồng nhân dân cấp xã có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, xét duyệt báo cáo quyết toán kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng của UBND cấp xã; Phê duyệt kế hoạch tài chính hằng năm, báo cáo quyết toán của UBND cấp xã theo quy định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
UBND cấp xã được giao 8 thẩm quyền trong lĩnh vực rừng. Cụ thể là thẩm quyền tổ chức thực hiện phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng tại địa phương, tổ chức thực hiện điều tra rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến rừng tại địa phương.
UBND xã cũng được giao lập dự án giao đất, giao rừng đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê, xây dựng phương án chuyển loại rừng đối với diện tích rừng của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. UBND xã cũng làm chủ đầu tư dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trong trường hợp được UBND cấp tỉnh giao theo quy định của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp.
Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tín dụng đầu tư trồng rừng gỗ lớn đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp.
UBND xã cũng có thẩm quyền cấp kinh phí hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo quy định của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp. UBND xã có thẩm quyền lập biên bản kiểm tra hiện trường xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại rừng để thanh lý rừng trồng theo quy định của Chính phủ quy định về thanh lý rừng trồng.
(Ảnh minh hoạ: NA).
Chủ tịch UBND xã được giao 9 thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý rừng, trong đó có thẩm quyền chấp thuận đề nghị khai thác gỗ trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo quy định, được giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư quy định, được cho thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân quy định.
Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng theo chế độ định kỳ và đột xuất, được huy động, điều phối và phân công các lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ, vật tư và nguồn lực để chữa cháy rừng; bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy.
Khi chưa có mặt người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng, Chủ tịch UBND cấp xã hoặc người được ủy quyền có mặt tại hiện trường vụ cháy là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng.
Ngoài ra, có quyền quyết định cấp kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương và nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để xử lý các nhu cầu kinh phí cho chữa cháy rừng trên địa bàn ngoài dự toán chi hằng năm đã được phê duyệt.
Đặc biệt, có quyền thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với cá nhân theo quy định, được tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán công trình lâm sinh hoặc thẩm định điều chỉnh thiết kế, dự toán công trình lâm sinh sử dụng vốn đầu tư công.
Nghị định số 131/2025/NĐ-CP của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền cấp xã trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, đặc biệt liên quan đến tài nguyên rừng. Quy định này góp phần rút ngắn quy trình hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý tại cơ sở, đồng thời tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch hơn.
Tuấn Anh
Bình luận