Hotline: 0941068156
Thứ ba, 05/11/2024 21:11
Thứ hai, 20/05/2024 14:05
TMO - Dự báo vụ Hè Thu năm nay, tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới sẽ xảy ra trên diện rộng tại nhiều địa phương tại khu vực Nam Trung Bộ. Trước dự báo này, ngành Nông nghiệp các địa phương chủ động triển khai các giải pháp bố trí lịch sản xuất, chủ động đảm bảo nước tưới...
Theo dự báo của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đỉnh điểm của hạn hán, thiếu nước vào cuối tháng 4/2024 đối với khu vực Tây Nguyên; giữa tháng 5/2024 đối với vùng Đông Nam Bộ, mùa khô ở Trung Bộ kéo dài đến hết tháng 8/2024. Tại khu vực Trung Bộ dung tích trữ hiện tại trong các hồ chứa thủy lợi phổ biến từ 35 - 80%. Hiện trong khu vực có 308/2.945 hồ chứa đang trữ dưới 50% dung tích thiết kế, bao gồm 82 hồ dưới mực nước chết. Trước tình hình nguồn nước trên, theo dự báo vụ Hè Thu 2024, diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng ở Trung Bộ khoảng 20.700 - 34.200 ha cây trồng. Tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp bố trí, đảm bảo sản xuất vụ Hè Thu trong điều kiện thời tiết khô hạn.
Tại tỉnh Quảng Nam, những ngày qua cơ quan chuyên môn cùng chính quyền các địa phương trong tỉnh tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nhà nông chuẩn bị triển khai sản xuất vụ Hè Thu. Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, việc sản xuất 41.500ha lúa Hè Thu năm nay sẽ bắt đầu gieo sạ từ ngày 20/5 và kết thúc vào 5/6/2024. Tùy theo thời gian sinh trưởng của từng loại giống, bố trí lúa trổ từ ngày 25/7 đến 10/8/2024 (trong đó trổ tập trung từ ngày 30/7 đến ngày 5/8); thu hoạch xong trước ngày 5/9, chậm nhất là 10/9/2024.
Theo dự báo thời tiết và tình hình nguồn nước trên địa bàn Quảng Nam, rất nhiều khả năng hạn hán và nhiễm mặn trong vụ hè thu 2024 có thể xảy ra sớm. Đồng thời, dự báo các loại hình thời tiết nguy hiểm, cực đoan có thể diễn biến phức tạp và nguy cơ cao ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa trung và ngắn ngày để gieo sạ nhằm giảm thời gian cây lúa trên đồng ruộng, tiết kiệm nước tưới và tránh các rủi ro do thời tiết bất thường gây ra, nhất là mưa lũ vào cuối vụ.
Những ngày qua, các địa phương tại tỉnh Quảng Nam huy động tối đa phương tiện cày và lồng đất để gieo sạ lúa hè thu 2024 đúng lịch thời vụ. Ảnh: MN.
Tại Bình Định, vụ Hè Thu năm nay toàn tỉnh xuống giống hơn 41.600ha lúa. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định cho biết, trong vụ này, để chủ động thích ứng với điều kiện nắng hạn, mưa lớn vào cuối vụ, Bình Định ưu tiên sử dụng các giống trung, ngắn ngày, vụ thu có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày, vụ hè dưới 95 ngày với các giống chủ lực như ĐV108, An Sinh 1399, Đài Thơm 8; các giống chủ lực cho vụ thu như ĐV108, ĐB6, TBR1, VNR20, Đài Thơm 8.
Bên cạnh đó, Bình Định sẽ áp dụng tưới tiết kiệm cho cây lúa, giảm số đợt tưới còn 9 đợt, cách nhau 10 ngày/đợt, chiều sâu nước trong ruộng tối đa 8cm. Đồng thời, điều tiết hợp lý nguồn nước giữa khu tưới cao và khu tưới thấp; sử dụng có hiệu quả nguồn nước các thủy điện; chuyển nước lưu vực sông Kôn và sông La Tinh phải chủ động, kịp thời. Củng cố các tổ thủy nông dẫn nước vào ruộng. Quản lý, vận hành tốt hệ thống công trình ngăn mặn để đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu úng kịp thời khi xảy ra mưa, lũ tiểu mãn vào cuối tháng 5.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn Phú Yên, từ nay đến khoảng tháng 7/2024, nắng nóng mở rộng và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn tỉnh, có 4/19 công trình bị ảnh hưởng bởi hạn hán không đảm bảo nguồn nước trong vụ hè thu, với hơn 1.500ha diện tích không đảm bảo nguồn nước…
Vụ Hè Thu 2024, toàn tỉnh Phú Yên gieo sạ 24.500ha lúa. Để sản xuất đạt hiệu quả cao, các địa phương cần kiểm tra, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các ao, hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn; đánh giá tình hình nguồn nước và khả năng cấp nước của các đập, hồ chứa để kịp thời điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Ngoài ra, các địa phương cần lên phương án huy động máy móc, phương tiện của người dân sẵn sàng đối phó khi xảy ra hạn hán.
Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch mùa vụ từ sớm; tổ chức họp đánh giá tình hình sản xuất, định hướng các giải pháp ứng phó để đảm bảo hiệu quả canh tác. Trong vụ hè thu, giải pháp về điều kiện chế độ nước là quan trọng, nhất là đối với những vùng có nguy cơ thiếu nước. Do đó, các địa phương phải tăng cường giám sát khô hạn, khuyến cáo thời gian xuống giống và các giống lúa ứng phó hợp lý trong điều kiện hạn, đặc biệt quan tâm về hệ thống thủy lợi nội đồng để đảm bảo nguồn nước.
Tỉnh Ninh Thuận yêu cầu đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh điều tiết, đảm bảo nguồn nước cho vụ sản xuất tới.
Tại tỉnh Ninh Thuận, trước dự báo về tình hình khô hạn kéo dài tỉnh đã đề ra hai phương án cụ thể để điều chỉnh sản xuất Hè Thu phù hợp và hiệu quả. Theo đó, với phương án 1, nếu từ nay đến hết tháng 5 không mưa, các hồ không có lượng nước bổ sung; hồ Đơn Dương dung tích dưới 100 triệu m3 thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 20/23 hồ chứa (trừ hồ Tà Ranh, BầuZôn, Ông Kinh đã hết nước) và toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do các huyện quản lý với diện tích trên 23.400 ha.
Phương án 2, nếu trong tháng 5 này trên địa bàn tỉnh có mưa, dung tích các hồ chứa đạt trên 50% dung tích thiết kế thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của 23 hồ chứa và toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do các huyện quản lý với tổng diện tích 29.265 ha.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngành nông nghiệp sẽ liên tục cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu để có các biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình hình khô hạn. Cùng với đó, khuyến cáo nông dân gieo trồng tập trung, đúng lịch thời vụ, cấm gieo ngoài kế hoạch và hướng dẫn người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật như sử dụng đại trà các giống mới, ngắn ngày, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất chất lượng cao để tăng hiệu quả kinh tế...
Trước nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ tại Trung Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tổ chức kiểm kê chặt chẽ nguồn nước trữ của từng công trình thủy lợi, tính toán cân đối khả năng cung cấp để xác định diện tích sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu 2024 phù hợp với khả năng nguồn nước. Địa phương chỉ tổ chức sản xuất nông nghiệp khi nguồn nước bảo đảm cung cấp cả vụ; trường hợp xảy ra thiếu nước, ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chủ động phối hợp với các chủ hồ chứa thủy điện và các cơ quan liên quan xây dựng, thống nhất kế hoạch điều tiết nước cho vùng hạ du các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu năm 2024, bảo đảm tiết kiệm nguồn nước, phù hợp khả năng lấy nước của công trình thủy lợi.
Thanh Vân
Bình luận