Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 10:04
Thứ ba, 15/04/2025 06:04
TMO - Hiện nay thời tiết diễn biến thất thường khiến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm dễ phát sinh, trước thực tế đó tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của các loại dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ đàn vật nuôi và sinh kế của người dân.
Thông tin từ UBND tỉnh Hà Giang, tính đến hết tháng 02/2025, trên địa bàn tỉnh đàn trâu ước đạt 138.421 con, giảm 3,51% so với cùng kỳ. Đàn bò ước đạt 134.828 con, tăng 10,16% (+12.439 con) so với cùng kỳ. Đàn lợn toàn tỉnh có 581.415 con, tăng 3,8% so với cùng kỳ; đàn gia cầm toàn tỉnh có 6.407,2 nghìn con, tăng 4,63% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, công tác tiêm phòng, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm của địa phương được chú trọng triển khai. Ngay từ tháng 2/2025 người dân tự mua vắc xin và triển khai tiêm phòng được 6.863 lượt con gia súc.
Lũy kế, tiêm phòng được 12.232 lượt con gia súc các loại (vắc xin Dịch tả lợn cổ điển 5.661 con, vắc xin THT lợn 5.836 con, vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi 705 con, vắc xin Dại 30 con). Đến ngày 15/02/2025, lực lượng chức năng đã thực hiện kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh được 15 chuyến, số lượng 1.873 con lợn thịt; thực hiện kiểm tra, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh được 69 chuyến, số lượng 84.215 con gia súc, gia cầm.
Theo chia sẻ của người dân thuộc thôn Hồng Tiến, xã Tùng Bá (Vị Xuyên), với mô hình chăn nuôi gà với quy mô lớn, trên 2.000 con. để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển tốt, người dân thường xuyên phun thuốc khử trùng khu vực chuồng nuôi, hạn chế tối đa mầm bệnh.
Đồng thời, tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều và thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn gà. Do chăn nuôi với quy mô lớn nên nếu xảy ra dịch bệnh thiệt hại sẽ không nhỏ, vì vậy người dân đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà. Tăng cường vệ sinh, giữ cho chuồng nuôi luôn khô ráo, phun thuốc sát trùng chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi.
Đồng thời, xử lý chất thải bằng các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường. Cho gà ăn thức ăn sạch, uống nước sạch. Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi bị ốm để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2025, Hà Giang đã ghi nhận các ca bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò tại huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Đáng chú ý, hầu hết các loại vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trong năm 2024 đã hết thời gian miễn dịch, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới. Cụ thể, theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra bệnh Tụ huyết trùng trâu, bò tại 2 huyện làm chết 4 con bò (xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc 3 con; xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn 1 con).
Thời điểm hiện tại, hầu hết các bệnh tiêm phòng cho đàn gia súc từ năm 2024 như: Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Tụ huyết trùng trâu bò, Dịch tả lợn... đều đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ. Do đó, nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới là rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân và môi trường, nguồn cung thực phẩm.
Đẩy mạnh tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, giảm thiểu dịch bệnh, thiệt hại trong chăn nuôi.
UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố khẩn trương bố trí kinh phí để mua vắc xin và tổ chức triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đối với từng bệnh đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn. Tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là tại các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý khi xuất hiện các ổ dịch bệnh mới phát sinh. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Các hộ chăn nuôi cần chủ động theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm các biểu hiện bất thường để cách ly, theo dõi và điều trị, thông báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời; tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.
Để đảm bảo đàn gia súc, gia cầm, vật nuôi phát triển ổn định, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ngày 14.3, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Văn bản chỉ đạo số 743 về khẩn trương tổ chức, triển khai tiêm phòng vắc xin và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo UBND các huyện, thành phố khẩn trương bố trí kinh phí mua vắc xin tiêm phòng các bệnh: Viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, nhiệt thán... cho đàn trâu, bò và tổ chức tiêm phòng ngay, hoàn thành trong tháng 5.2025; đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đối với từng bệnh đạt từ 80% tổng đàn.
Tổ chức tuyên truyền cho người chăn nuôi, cộng đồng về nguy cơ của dịch bệnh nguy hiểm; hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho đàn GSGC. Đồng thời, vận động người dân bỏ kinh phí mua các loại vắc xin để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng. Tổ chức giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên GSGC, nhất là tại các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo làm lây lan dịch bệnh. Tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ.
Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch bệnh động vật; đặc biệt trong công tác bố trí kinh phí mua vắc xin, tổ chức tiêm phòng cho gia súc gia cầm năm 2025.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh phối hợp cung ứng vắc xin, hóa chất theo đề xuất của các huyện, thành phố; báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm phòng. Sở Tài chính và Kế hoạch hướng dẫn chuyên môn, chỉ đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu UBND huyện, thành phố bố trí kinh phí mua vắc xin kịp thời, đồng loạt…/.
Mạnh Hoàn
Bình luận