Hotline: 0941068156

Thứ năm, 16/01/2025 15:01

Tin nóng

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Trên 20 cây cổ thụ ở vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thứ năm, 16/01/2025

Chủ động kế hoạch xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ

Thứ ba, 04/06/2024 07:06

TMO - Hiện nay, nhiều nhóm hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang và sắp vào mùa vụ thu hoạch chính, do vậy, để hỗ trợ các nhà cung ứng trong việc tìm kiếm, khai thác thị trường, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương xúc tiến tiêu thụ. 

Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), từ đặc điểm của nền kinh tế sở hữu nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp với phần đông nguồn lực tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông sản và các sản phẩm nông sản được xác định, vừa là nguồn lương thực quan trọng trong nước và sinh kế của người dân, vừa là ngành hàng chiến lược trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu góp phần cải thiện cán cân thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Trong những năm trở lại đây, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng, xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam không ngừng được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, xuất khẩu bền vững, giảm tỷ trọng các mặt hàng chưa qua chế biến, đẩy mạnh chế biến chuyên sâu và nâng cao giá trị cũng như chất lượng sản phẩm. Ngày càng nhiều mặt hàng, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam hoặc sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện diện tại các chuỗi siêu thị, các hệ thống bán lẻ, cung ứng, phân phối quốc tế tại các thị trường lớn trên thế giới…

Chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, quy trình sản xuất được nâng cao, sự đa dạng về sản phẩm cùng những nỗ lực tuân thủ yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm là những yếu tố quan trọng giúp nông sản Việt Nam đã chinh phục và giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, giá trị nông sản toàn cầu, bất chấp những yếu tố khó khăn mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt.

Hiện nay, nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh cao, khả năng thâm nhập các thị trường xuất khẩu đang và sắp vào mùa như vải, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ… và sẽ gặp phải trở ngại nhất định về thị trường tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch ồ ạt. Cục Xúc tiến thương mại cho biết thêm, nhóm ngành rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng so với năm ngoái, kim ngạch tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ ước tính xuất siêu 8.01 tỷ USD. 

Nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, nhưng gặp trở ngại nhất định về thị trường tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch ồ ạt (Ảnh minh họa). 

Dư địa thị trường xuất khẩu là rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt, để các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt Nam, các sản phẩm nông sản mang nhãn hiệu Việt Nam xuất hiện rộng rãi và khẳng định giá trị trên các kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu,...

Tại thị trường Hoa Kỳ, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, trái cây nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định và đạo luật, cụ thể như đạo luật bảo vệ thực vật, đạo luật hiện đại hoá an toàn thực phẩm, đạo luật bảo vệ chất lượng thực phẩm, chương trình bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải đăng ký cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu và đăng ký đại diện tại Hoa Kỳ để làm đầu mối liên lạc.

Mặt khác, vùng trồng và chế biến trái cây phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn như Global GAP, ISO, HACCP, USDA,… và phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký tại Hoa Kỳ; không nhiễm các loại vi sinh vật hay vi khuẩn, nấm mốc; quá trình thu hoạch phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.

Thương vụ kiến nghị đối với các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng trái cây mùa vụ: Nâng cao giá trị của trái cây mùa vụ, bổ sung các sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp có thể tiêu thụ quanh năm, có thời gian bảo quản lưu trữ lâu; Ứng dụng công nghệ mới để kéo dài thời gian bảo quản trái cây như công nghệ đưa trái cây vào trạng thái “ngủ đông”, bảo quản tế bào sống hay sử dụng chế phẩm sinh học màng bọc chất bảo quản được phép để kéo dài thời gian bảo quản trái cây; Xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản đồng bộ có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ, xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á. 

Tại thị trường EU, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU, cho biết, trừ mặt hàng dừa, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam chưa thật sự tham gia sâu vào thị trường EU. Phần lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam mới chỉ tiếp cận được với các chuỗi cửa hàng châu Á, chưa thể đi vào được các kênh phân phối lớn, chính thống của EU. Về vấn đề này, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, xuất khẩu rau quả nói riêng và nông sản của Việt Nam nói chung rất khó cạnh tranh tại thị trường EU do độ bền vững cũng như quy mô của sản lượng nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây, rau quả tươi chưa đủ để có thể có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn của EU.

Tại thị trường Thái Lan, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan cho biết, nông sản Việt Nam ngày càng được khẳng định về chất lượng cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng sản phẩm khi tiếp cận thị trường Thái Lan. Ngoài trái cây tươi, Thái Lan có nhu cầu nhập khẩu rất lớn về rau củ, đặc biệt là những mặt hàng mà quốc gia không sản xuất được hoặc sản xuất ít như cà rốt, khoai tây, và nhiều loại rau thơm,… vì vậy, cơ hội thâm nhập thị trường Thái Lan cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam là tương đối cao.

Đối với các địa phương, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang thông tin: Ngay từ đầu năm, được sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh việc trao đổi, thúc đẩy hợp tác với chính quyền, cơ quan chức năng, doanh nghiệp của các nước, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…

Cùng đó, thường xuyên liên hệ, trao đổi với các chợ đầu mối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn trong nước để kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều; chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều… Đến nay, trên địa bàn tỉnh việc thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đang bắt đầu diễn ra rất sôi động; giá bán vải thiều dao động từ 25-70 nghìn đồng /kg. Tuy nhiên, Sở Công Thương tỉnh cũng chỉ ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ như ùn tắc cục bộ tại hai cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn và Kim Thành, tỉnh Lào Cai…; tiếp tục triển khai các bước để thực hiện chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang Hoa kỳ được thực hiện tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bắc Giang kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều của sang các thị trường quốc tế…

Do đó, lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang đề nghị các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của các nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu vải thiều; giúp đỡ thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp tục định hướng giúp tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều; thông tin chính sách, quy định mới về nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… của thị trường các nước đối với vải thiều, sản phẩm chế biến từ vải; hỗ trợ mời gọi kênh phân phối, các Tập đoàn bán lẻ của các nước đến tìm hiểu, hợp tác, thu mua tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang.  

Cục Xúc tiến thương mại đề nghị các địa phương, Hiệp hội tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình các sản phẩm nông sản mùa vụ, kết nối tạo thuận lợi tiêu thụ.  

Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Bình Thuận và cả Việt Nam nhưng cũng là quốc gia có diện tích trồng thanh long tương đương với Việt Nam. Hiện tại, Trung Quốc đang tiếp tục phát triển mở rộng, tập trung ở các tỉnh giáp với Việt Nam như: Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam…và có mùa vụ thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11, không chênh lệch nhiều so với thời điểm thu hoạch chính vụ của thanh long Bình Thuận từ tháng 3 đến tháng 9.

Đây cũng là thời vụ thu hoạch của cam, quýt, táo, lê, nho... nên vào thời gian này thanh long Bình Thuận phải cạnh tranh với cả thanh long và trái cây Trung Quốc nên việc tiêu thụ thường bị chậm, giá cả có xu hướng giảm, trong tương lai việc tiêu thụ sẽ còn khó khăn hơn. Ngoài ra, việc đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường châu Âu, khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á… vẫn còn khó khăn, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng chậm do doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu gia công hoặc bán thanh long cho doanh nghiệp khác xuất khẩu nên không thể hiện kim ngạch.

Việc phát triển thêm các thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ… và các quốc gia đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc tuy đã được triển khai nhưng xuất khẩu thanh long của tỉnh gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ do bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của địa phương đa số có quy mô vừa và nhỏ, trình độ ngoại thương còn hạn chế, kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại ít nên việc tham gia xúc tiến thương mại còn hạn chế, cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước, nhất là xúc tiến thương mại tại nước ngoài thường có kinh phí lớn.

Nhằm xúc tiến xuất khẩu cho nông sản mùa vụ một cách thiết thực, Cục Xúc tiến thương mại đề xuất triển khai các nhiệm vụ cụ thể như:  Đề nghị các địa phương, Hiệp hội tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình các sản phẩm nông sản mùa vụ, thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ xuất khẩu, tiêu thụ; đồng thời, tích cực trao đổi với các cơ quan thương vụ để tìm kiếm nhà nhập khẩu.

Tăng cường phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để kịp thời cập nhật thông tin, theo dõi sát sao diễn biến giá cả thị trường xuất khẩu, chủ động nắm bắt thông tin thị trường và có kế hoạch tiêu thụ, tăng cường sự liên kết trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất để tránh tình trạng gia tăng diện tích, sản lượng ồ ạt, gây rủi ro cho người canh tác.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất theo hướng bền vững, chú trọng nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, khai thác các kênh thương mại điện tử một cách hiệu quả. Chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại cho nông sản mùa vụ để tránh bị động về thị trường khi vào mùa thu hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, tiêu thụ nông sản mùa vụ một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, đề nghị phía doanh nghiệp, chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, hướng dẫn các nhà sản xuất cung ứng sản xuất theo yêu cầu và thị hiếu của thị trường; tích cực chủ động đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ cho nông sản mùa vụ. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương, các Hiệp hội, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp xúc tiến xuất khẩu cho nông sản mùa vụ, đặc biệt là rau củ và trái cây một cách thiết thực.

Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng đề nghị các Vụ thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài trong công tác nghiên cứu thông tin, dự báo thị trường, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản vào vụ, tạo điều kiện cho địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp xây dựng chiến lược thị trường phù hợp và hiệu quả. 

Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Hiệp hội xây dựng, tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu; qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nông dân mở rộng thị trường, chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đang đến vụ.

 

 

Thanh Nga

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline