Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 08:11
Thứ bảy, 10/09/2022 05:09
TMO - Thời gian qua, việc gia tăng về tần suất và cường độ của các trận động đất trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đe dọa đến sự an toàn của các công trình xây dựng và cuộc sống của người dân. Vì vậy, việc chủ động các phương án ứng phó với động đất trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cấp bách để hạn chế những thiệt hại.
Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, từ tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và vùng lân cận đã ghi nhận hơn 300 trận động đất có cường độ ngày càng lớn; trong đó, hai trận động đất lớn nhất diễn ra vào 14h08 ngày 23/8 (độ lớn 4.7) và 12h54 ngày 18/5 (độ lớn 4,5). Tính riêng từ đầu tháng 9/2022 đến nay đã có 13 trận động đất có cường độ từ 2,5 trở lên xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và vùng lân cận
Theo nhận định bước đầu của các cơ quan chuyên môn, động đất ở khu vực huyện Kon Plông là động đất kích thích do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện trên địa bàn này. Dự báo, thời gian tới, tại khu vực này các trận động đất sẽ tiếp tục xảy ra và khả năng còn có cường độ lớn hơn.
Quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng động đất tại huyện Kon Plông. Ảnh: Đức Nhật
Mặc dù, các trận động đất chưa đến mức nghiêm trọng và gây ra thiệt hại về người cũng như tài sản, nhưng không thể chủ quan. Việc xây dựng phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như các công trình hạ tầng cơ sở trên địa bàn huyện Kon Plông là vấn đề cấp thiết đang được đặt ra.
Trong đó, vấn đề đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhằm ứng phó với động đất ở Kon Tum đang được chính quyền cũng như đơn vị quản lý đặc biệt quan tâm. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 6 công trình thủy điện, trong đó, có 3 công trình thủy điện có hồ chứa lớn là thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có tổng cộng 125 công trình thủy lợi do tỉnh và địa phương quản lý. Công trình giao thông chủ yếu là đường nông thôn loại B với kết cấu mặt đường là bê tông xi măng. Các công trình công cộng khác như trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học được thiết kế cấp III, cấp VI.
Thông tin từ UBND huyện Kon Plông cho biết trước tình hình động đất, dư chấn xảy ra liên tục, diễn biến khó lường, chính quyền huyện đã tăng cường công tác quản lý, giám sát nhất là đối với hai hồ chứa thủy điện lớn, gồm: Đăk Đrinh với dung tích trên 248 triệu m3 nước và hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum với dung tích trên 145 triệu m3 nước.
Trong đó, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện tích nước lòng hồ của các chủ dự án thủy điện, tăng cường thêm các trạm quan trắc để đảm bảo thông tin liên quan đến các trận động đất chi tiết và chính xác hơn.
Trạm đo khí tượng thủy văn và giám sát tài nguyên nước tự động đặt trên thân đập hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: Khoa Điềm
Ngày 9/9, ông Lê Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, cho biết đến nay việc xây dựng, lắp đặt mới ba trạm quan trắc cảnh báo động đất tại thủy điện Thượng Kon Tum đã hoàn thành, nâng tổng số trạm quan trắc thuộc khu vực hoạt động của thủy điện này lên 6 trạm. Việc lắp đặt thêm các trạm quan trắc có vai trò quan trọng trong việc cảnh báo sớm nguy cơ động đất xảy ra.
Qua đó, giúp chính quyền địa phương và người dân trong vùng động đất chủ động các biện pháp phòng, chống thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra do động đất. Sau khi hoàn thành việc xây dựng ba trạm quan trắc, Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục phối hợp với Thủy điện Đăk Đrinh để khảo sát, nghiên cứu và lắp đặt thêm hai trạm quan trắc tại khu vực hoạt động của thủy điện này.
Trong kế hoạch phòng chống, ứng phó với thiên tai năm 2022, huyện Kon Plông đã bổ sung phương án ứng phó với động đất và các cấp độ rủi ro do thiên tai gây ra. Thời gian qua, chính quyền và các đoàn thể ở huyện Kon Plông tăng cường bám địa bàn để tuyên truyền, vận động, giải thích, phát sổ tay, hướng dẫn kỹ năng và các biện pháp tự ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” cho người dân. Địa phương này cũng đã lên phương án sơ tán dân khi có động đất; dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, thuốc y tế đảm bảo cho công tác ứng cứu.
Trước đó ngày 25/8, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đã ký ban hành Công văn số 2788/UBND-NNTN chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Công điện số 750/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, nhiệm vụ quan trọng được Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra là phải theo dõi, thông tin kịp thời về động đất; hướng dẫn kỹ năng ứng phó; huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả để đảm bảo tính mạng và ổn định tâm lý cho người dân cũng như sự an toàn công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Kon Plông. Kiểm tra công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện, căn cứ tình hình thực tế nghiên cứu giảm tích nước hồ chứa thủy điện theo quy định để an toàn hồ đập...
Tiến Huy
Bình luận