Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ năm, 29/12/2022 10:12
TMO - Nhằm chủ động thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô, hạn chế tối đa số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung mọi nguồn lực, chủ động và quyết liệt trong tổ chức thực hiện công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng...
Theo báo cáo hiện trạng rừng năm 2021, tính đến ngày 31/12/2021 toàn tỉnh Tây Ninh có 66.303,97 ha diện tích có rừng, trong đó: rừng tự nhiên 45.905,77 ha, rừng trồng 20.398,2 ha; rừng đặc dụng 29.733,13 ha; rừng phòng hộ 27.176,88 ha; rừng sản xuất 9.393,96 ha. Diện tích chưa có rừng 6.957,90 ha, gồm: đất có cây gỗ tái sinh chưa đạt tiêu chí thành rừng 1.496,54 ha, diện tích khác 5.488,36 ha; chiếm 18,22% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, có trên 50% là diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, chủ yếu là rừng khộp, tre nứa, keo, rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, trảng cỏ ngập nước theo mùa; tỷ lệ che phủ của rừng năm 2021 là 16,1%.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời gian tới tình trạng nắng nóng gay gắt sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Để chủ động thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), hạn chế tối đa số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có rừng; Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2022-2023.
Lực lượng kiểm lâm đốt chủ động những khu vực nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, hạn chế cháy lây lan. Ảnh: BTN
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có rừng củng cố, kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tại địa phương; Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ rừng thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, các phòng chuyên môn và các đơn vị liên quan, tập trung mọi nguồn lực, chủ động và quyết liệt trong tổ chức thực hiện công tác bảo vệ rừng và PCCCR; gắn trách nhiệm của các chủ rừng và nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng với việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Đối với các khu vực rừng gần khu dân cư phải xây dựng các phương án ứng phó và sẵn sàng, chủ động di dời dân, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước khi có cháy rừng xảy ra. Chỉ đạo các chủ rừng xây dựng Kế hoạch, Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp các địa phương bố trí lực lượng trực canh gác phát hiện sớm lửa rừng; tổ chức tuần tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ người ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy trong thời gian cao điểm nắng nóng; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, máy móc, dụng cụ chữa cháy để sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra theo đúng phương châm "4 tại chỗ".
Cày đất, tạo đường băng cản lửa giữa rừng với trảng cỏ để đề phòng lửa cháy lan diện rộng. Ảnh: Đại Dương
Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại trang điện tử http://www.kiemlam.org.vn; kịp thời thông báo cấp dự báo cháy rừng trên Đài Phát thanh huyện, thị xã, thành phố và hệ thống loa phát thanh của xã, ấp, tuyên truyền lưu động và các hình thức khác nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ rừng, Nhân dân; khi xảy ra cháy rừng phải triển khai ngay lực lượng chữa cháy và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh thông qua Văn phòng Ban Chỉ đạo đóng tại Chi cục Kiểm lâm theo số điện thoại: 02763822369 để tổng hợp và tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo và Chủ tịch UBND tỉnh có phương án chỉ đạo.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ". Phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR. Chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện, công cụ, dụng cụ ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dự báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng hàng ngày để phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông tổ chức tuyên truyền đến mọi người dân khi cấp dự báo cháy rừng đến Cấp IV và Cấp V.
Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin tình hình cháy rừng tại các địa phương, đơn vị; tổng hợp tình hình thực hiện của các địa phương, đơn vị, diễn biến tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh, báo cáo kịp thời Trưởng ban Chỉ đạo và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có phương án huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng khi cần thiết.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia chữa cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu của địa phương. Đồng thời, Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm tổ chức điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng (nếu có) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Loan
Bình luận