Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 22/02/2025 03:02
Thứ hai, 03/02/2025 06:02
TMO - Biển có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong thời gian tới, các địa phương có biển cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính đổi mới, sáng tạo, đột phá, đồng thời triển khai các chiến lược, quy hoạch, các luật Tài nguyên, môi trường biển, hải đảo…để đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển.
Biển Việt Nam có diện tích gấp 3 lần diện tích đất liền với hàng nghìn đảo lớn, nhỏ và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; bờ biển trải dài trên 3.260 km với 114 cửa sông đổ ra biển, nhiều vũng, vịnh, bãi triều... tạo nên sự đa dạng, phong phú về tài nguyên vị thế tài nguyên sinh vật, phi sinh vật và các hệ sinh thái đặc trưn.
Trong đó có nhiều tài nguyên nổi trội như dầu khí và khoáng sản, năng lượng tái tạo, hải sản, cảnh quan thiên nhiên đã tạo ra những điều kiện, tiềm năng lớn để phát triển nhiều ngành kinh tế biển quan trọng, mang lại giá trị cao như vận tải biển, du lịch biển, khai thác dầu khí, khoáng sản và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản...Khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển đã đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội; giai đoạn 2011-2022, GDP trung bình của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 50% GDP của cả nước.
Theo Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hiện chúng ta vẫn còn chưa phát huy hết được các lợi thế, tiềm năng của biển. Một phần nguyên nhân là do công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương liên quan đến biển còn thiếu tính tổng thể; sự liên kết giữa các vùng, địa phương giữa các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả.
Còn tồn tại mâu thuẫn, chồng lấn, xung đột trong không gian phát triển giữa các ngành, các hoạt động kinh tế biển; thể chế quản lý tổng hợp và thống nhất biển đảo chưa được vận hành thông suốt. Tình trạng một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức, có nguy cơ cạn kiệt; ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái gia tăng rác thải nhựa biển đã trở thành vấn đề cấp bách; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn hạn chế, bất cập. Trước tình hình đó, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, khai thác tài nguyên, sử dụng không gian biển, phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững, tạo nhiều sinh kế hiệu quả cho người dân; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, ngày 22 tháng 10 năm 2018, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36 NQ/TW của về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Biển có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của người dân. (Ảnh minh hoạ).
Theo đó, 1 trong 5 quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là: “Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...”. Chiến lược đã chỉ ra một trong những giải pháp chủ yếu phải thực hiện là hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển. Chiến lược yêu cầu phải rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hoà, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; khẩn trương xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, Luật Quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương triển khai lập Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Mặc dù đây là các quy hoạch mới, lần đầu tiên của Việt Nam, với phạm vi quy hoạch rất rộng, trên biển có nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm, trong khi thông tin dữ liệu còn nhiều hạn chế... nhưng với sự nỗ lực tối đa được sự tham gia chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, các quy hoạch đã được hoàn thành.
Nghị quyết số 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 -2025, tầm nhìn đến năm 2050 và ngày 07 tháng 10 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của Quy hoạch không gian biển quốc gia là phân bổ, quản lý hiệu quả, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Cho giai đoạn đến năm 2030, Quy hoạch không gian biển quốc gia đặt 5 vấn đề trọng tâm và 4 khâu đột phá, cụ thể: Những vấn đề trọng tâm cần giải quyết là: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Phát triển kinh tế biển mạnh; Phát triển văn hóa, xã hội; Bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Phát triển các nguồn lực. Các khâu đột phá là: Tập trung cao xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics, ven biển, hải đảo đa mục tiêu; Phát triển du lịch biển, đảo bền vững, có trách nhiệm, sáng tạo gắn với phát triển đô thị đảo xanh, thông minh.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng xanh, tuần hoàn, các- bon thấp, chống chịu cao, gắn với bảo tồn biển và văn hoá biển, đảo, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Phát triển nhanh và bền vững các nguồn năng lượng sạch từ biển và phát triển ngành dầu khí, khoáng sản rắn và vật liệu xây dựng ở đáy biển. Trên cơ sở kết quả phân vùng chức năng, dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí phân vùng sử dụng và xử lý chồng lấn không gian, mâu thuẫn sử dụng biển, vùng biển Việt Nam được phân thành các vùng sử dụng, bao gồm: 125 vùng cấm khai thác với tổng diện tích khoảng 74,3 nghìn ha; 357 vùng khai thác có điều kiện, với tổng diện tích khoảng 22.408 nghìn ha.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng xanh, tuần hoàn là mục tiêu quan trọng của Việt Nam. (Ảnh minh hoạ).
267 khu vực cần bảo vệ đặc biệt, với tổng diện tích khoảng 183 nghìn ha; khu vực khuyến khích phát triển gồm: khu vực ưu tiên khuyến khích phát triển, với tổng diện tích khoảng 923 nghìn ha; các khu vực có tiềm năng khai thác, phát triển với tổng diện tích khoảng 34.632 nghìn ha; khu vực sử dụng đa mục đích với tổng diện tích khoảng 40.400 nghìn ha; vùng tiếp tục nghiên cứu.
Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thực hiện sắp xếp, phân bố hợp lý không gian phát triển cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; tăng cường sự liên kết và giải quyết cơ bản các mâu thuẫn, chồng lấn, xung đột trong trong sử dụng không gian biển vùng bờ; bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, cải thiện sinh kế và nâng cao mức sống cho cộng đồng dân cư ven biển.
Vùng biển ven bờ Việt Nam được phân thành các vùng khai thác, sử dụng,bao gồm: (1) Khu vực cấm khai thác, sử dụng tài nguyên gồm 73 khu vực với tổng diện tích khoảng 45,3 nghìn ha; (2) Khu vực hạn chế khai thác, sử dụng tài nguyên gồm 429 khu vực với tổng diện tích khoảng 3.256 nghìn ha, trong đó có 263 khu vực khai thác, sử dụng tài nguyên có điều kiện với tổng diện tích khoảng 3.119 nghìn ha và 166 khu vực cần bảo vệ đặc biệt với tổng diện tích khoảng 137 nghìn ha; (3) Khu vực khuyến khích khai thác, sử dụng tài nguyên gồm khu vực ưu tiên khuyến khích khai thác, sử dụng tài nguyên với tổng diện tích khoảng 874 nghìn ha; khu vực tiềm năng cần điều tra, nghiên cứu để khuyến khích khai thác cát với diện tích khoảng 698 nghìn ha; khu vực tiềm năng cần điều tra, nghiên cứu để khuyến khích khai thác sa khoáng với diện tích khoảng 559 nghìn ha; khu vực khuyến khích khai thác, sử dụng đa mục đích có tổng diện tích khoảng 1.884 nghìn ha.
Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên biển và hải đảo theo cách tiếp cận tổng hợp, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo và vùng. Đây là hai quy hoạch lần đầu tiên được lập ở Việt Nam, là quy hoạch đa ngành, tích hợp, có ý nghĩa chiến lược toàn diện, định hướng cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển theo hướng bền vững.
Thông qua các quy hoạch đã phân bổ hợp lý không gian phát triển cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và giải quyết cơ bản các mâu thuẫn, chồng lấn trong sử dụng không gian biển; khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; là công cụ quan trọng để quản lý khai thác bền vững, hiệu quả tài nguyên biển, giải quyết tổng thể, hài hòa mối quan hệ giữa nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển.
Như Ngọc
Bình luận