Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/09/2024 12:09
Thứ tư, 04/09/2024 07:09
TMO - Châu Phi đang phải đối mặt với tổn thất ngày càng nặng nề do biến đổi khí hậu khi nhiều quốc gia phải chi tới 9% ngân sách để đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã công bố Báo cáo về Tình hình khí hậu châu Phi năm 2023. Tổng Thư ký WMO cảnh báo: Mặc dù có mức phát thải nhà kính thấp hơn nhiều các châu lục khác, nhưng trong 60 năm qua nhiệt độ tại châu Phi lại tăng nhanh hơn mức tăng trung bình toàn cầu.
Hạn hán tại châu Phi gây ra khủng hoảng lương thực trầm trọng.
Hằng năm, các nước trong khu vực cũng thiệt hại từ 2-5% tổng sản phẩm quốc nội do nắng nóng, hạn hán, lốc xoáy và lũ lụt. Báo cáo của WMO nhấn mạnh, các quốc gia vùng cận Sahara thậm chí sẽ phải tiêu tốn từ 30-50 tỷ USD mỗi năm (tương đương từ 2-3% GDP) trong thập kỷ tới để ứng phó với biến đổi khí hậu. Không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế, biến đổi khí hậu còn đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân châu Phi. Ước tính đến năm 2030, có tới 118 triệu người sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch, mất an ninh lương thực và các bệnh dịch liên quan tới biến đổi khí hậu.
Châu Phi phải đối mặt với gánh nặng và rủi ro phát sinh từ các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu, gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn với những tác động bất lợi đến nông nghiệp, an ninh lương thực, giáo dục, năng lượng, cơ sở hạ tầng, hòa bình và an ninh, sức khỏe cộng đồng, tài nguyên nước và phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Báo cáo của WMO cho rằng các quốc gia châu Phi cần tăng cường đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng các công trình hạ tầng có khả năng chống chịu thiên tai và phát triển các giải pháp nông nghiệp bền vững. Cộng đồng quốc tế cũng cần tăng mạnh hỗ trợ tài chính và công nghệ cho châu Phi để giúp lục địa này thích ứng với biến đổi khí hậu.
Minh Thu
Bình luận