Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 07:11
Thứ tư, 19/04/2023 04:04
TMO - Châu Phi là khu vực đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu nhưng lại ít nguồn lực để thích ứng với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Trước thực trạng này, bộ trưởng các nước châu Phi nhấn mạnh đến việc cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ông Raymond Gilpin cho rằng châu Phi cần hơn 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030 để đạt được tiến bộ trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nền kinh tế châu Phi đang phát triển chỉ mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19 khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường vốn và gia tăng lạm phát khiến giá lương thực tăng vọt. Trong khi đó, châu Phi đã phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm hạn hán, lũ lụt và lốc xoáy ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Năm 2022 Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đã thành lập Quỹ Tín thác Khả năng phục hồi và Bền vững (RST) để giúp chuyển các khoản dự trữ Quyền rút vốn Đặc biệt vượt mức của IMF từ các quốc gia giàu có sang các nước nghèo có thu nhập trung bình và dễ bị tổn thương. Quỹ tín thác này nhằm cung cấp nguồn tài chính ưu đãi dài hạn cho các nhu cầu như thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Rwanda, Barbados, Costa Rica, Bangladesh và Jamaica đã đạt được thỏa thuận cho các chương trình cho vay từ quỹ này và 44 quốc gia khác cũng quan tâm.
Châu Phi sẽ cần tới 1,6 nghìn tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2030 cho các nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu và thích ứng với những tác động bất lợi.
Châu Phi chiếm chưa đến 4% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Mặc dù châu Phi không đóng góp nhiều vào vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng châu lục này nhận được phần nhỏ nhất trong tổng nguồn hỗ trợ tài chính toàn cầu dành cho hành động khí hậu. Các nguồn tài chính khí hậu được rót vào châu Phi đã không đáp ứng được cam kết của các nước phát triển và không đáp ứng được nhu cầu thích ứng và giảm thiểu của châu lục này. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, lục địa này sẽ cần tới 1,6 nghìn tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2030 cho các nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu và thích ứng với những tác động bất lợi.
Cùng với sự kêu gọi giúp đỡ từ quốc tế, các quốc gia tại khu vực này cũng đang triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, Liên minh châu Phi (AU) đang thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng và toàn diện của châu lục, mong muốn giúp hàng trăm triệu người dân châu Phi sử dụng điện và các nguồn năng lượng sạch để nấu ăn. Theo ước tính của AU, khoảng 600 triệu trong số 1,4 tỷ dân châu Phi hiện không có điện và 900 triệu người chưa được tiếp cận các nguồn nhiên liệu sạch để nấu ăn.
Một số nền kinh tế lớn ở châu Phi đã đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo như Trạm năng lượng Mặt trời Ourzazate của Maroc, Nhà máy năng lượng Mặt trời Kom Ombo của Ai Cập, Nhà máy địa nhiệt Menengai của Kenya, trang trại gió ở Hồ Turkana và Nhà máy năng lượng Mặt trời Jasper ở Nam Phi. Trong khi đó, các nước Kenya, Nam Phi và Nigeria đang đi đầu trong các dự án quy mô nhỏ hơn như lắp đặt tấm pin mặt trời độc lập để đưa điện đến các vùng nông thôn hoặc lắp các tấm pin trên mái nhà.
Minh Vân
Bình luận