Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ hai, 15/08/2022 04:08
TMO - Trên khắp châu Âu, hạn hán đang làm suy giảm nghiêm trọng mực nước ở các dòng sông gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh năng lượng, giá lương thực, dòng chảy thương mại và đa dạng sinh học.
Viện Thủy văn Liên bang Đức (BfG) cho biết mực nước sông Rhine, tuyến đường thủy được sử dụng để vận tải hàng hóa, tưới tiêu, sản xuất, sản xuất điện và cung cấp nước uống, sẽ tiếp tục sụt giảm cho đến ít nhất là đầu tuần tới. Mực nước thấp khiến nhiều sà lan chở than phục vụ các tập đoàn công nghiệp lớn chỉ có thể hoạt động với 25% công suất, làm tăng chi phí vận chuyển lên gấp 5 lần.
Điểm đo tại Kaub trên sông Rhine, hiện là tuyến đường vận tải thủy quan trọng nhất ở châu Âu, đã giảm xuống 49cm vào ngày 7/8. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, việc vận chuyển hàng hóa trên 2.850 km chiều dài của sông Danube cũng bị gián đoạn nghiêm trọng, khiến các nhà chức trách ở Serbia, Romania và Bulgaria bắt đầu cho nạo vét các con kênh sâu hơn, trong khi các sà lan chở nhiên liệu cho các nhà máy điện đang chờ để di chuyển.
Tình trạng khô hạn của hồ chứa Bouzey ở Bouzey, miền đông nước Pháp - Ảnh: AFP
Tại Pháp, mực nước của sông Loire đã xuống thấp kỷ lục, nhiều nơi người dân có thể đi bộ qua lòng sông. Vấn đề này có thể không quá nghiêm trọng với ngành vận tải, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà máy điện hạt nhân, khi nước ở các dòng sông là biện pháp làm mát chính của các lò phản ứng. Tập đoàn điện lực EDF của Pháp đang phải giảm sản lượng cung cấp vì vấn đề này.
Hồ Garda của Italy giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Ảnh: AP
Tại Italy tốc độ dòng chảy của sông Po, con sông dài nhất nước này, đã giảm xuống chỉ còn 1/10 so với mức thông thường và mực nước giờ đây thấp hơn bình thường 2 mét. Do không có mưa ổn định tại khu vực kể từ tháng 11, sản xuất ngô và gạo risotto đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Đài quan sát về tình trạng hạn hán châu Âu cho biết, 60% diện tích đất của Liên minh châu Âu (EU) và Anh đang đặt trong cảnh báo hạn hán. Cụ thể, 45% diện tích đất đang bị mất độ ẩm, 15% diện tích đất có thảm thực vật đang bị tác động từ hạn hán.
Khắp Tây, Trung và Nam châu Âu trong 2 tháng qua không ghi nhận lượng mưa đáng kể nào. Đây là đợt hạn hán khắc nghiệt nhất trong vòng 500 năm qua tại châu lục này. Trong tháng 7, mực nước của hồ chứa tại một số khu vực của châu Âu xuống mức rất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Cánh đồng hướng dân khô héo ở Conoplja, tây bắc Serbia, ngày 9/8/2022. Ảnh: AP
Thời tiết cực đoan và các vấn đề về chuỗi cung ứng đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực toàn cầu. Trung tâm hợp tác nghiên cứu dự báo sản lượng ngô ngũ cốc, hoa hướng dương và đậu tương ở EU giảm 8-9% do điều kiện thời tiết khô nóng trong mùa hè, thấp hơn mức trung bình trong 5 năm qua.
Thu Thảo
Bình luận