Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Thứ ba, 20/12/2022 03:12
TMO - Qua thanh tra, kiểm tra, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cho biết, các đơn vị hoạt trong trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cơ bản chấp hành pháp luật khoảng sản và pháp luật khác có liên quan, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó một số đơn vị chậm thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khi kết thúc khai thác.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Quảng Nam hiện có 26 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 23 giấy phép khai thác đá và 3 giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp. Quá trình hoạt động còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã thực hiện 1 cuộc kiểm tra và 7 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản tại 15 địa phương và 80 đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Riêng trong năm 2022, Thanh tra Quảng Nam đã triển khai thanh tra việc quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện Nam Giang, Núi Thành và Hiệp Đức giai đoạn 2015 - 2021. Hiện nay, đang thanh tra việc quản lý, khai thác khoáng sản tại huyện Đại Lộc. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tiến hành kiểm tra, thanh tra tại 75 tổ chức, đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản. Thanh tra Sở TN&MT đã tổ chức thanh tra tại Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư phát triển xây dựng Khoáng sản Miền Trung và Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam đang khai thác đá tại xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên.
Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 60 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về lĩnh vực TN&MT trong hoạt động khai thác khoáng sản với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng. Trong đó, Sở TN&MT Quảng Nam tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 25 đơn vị với số tiền 5,3 tỷ đồng, các Trưởng đoàn thanh tra, Chánh Thanh tra Sở TN&MT xử phạt 35 đơn vị hơn 1,2 tỷ đồng. Chuyển Cơ quan điều tra xem xét xử lý đối với trường hợp Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hưng Đức Vinh do khai thác ngoài phạm vi cấp phép. Đồng thời, buộc các đơn vị vi phạm nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp từ khai thác khoáng sản là 1,42 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 2 tháng đối với một đơn vị.
UBND tỉnh chấn chỉnh những sai phạm, siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản đặc biệt là cát. Ảnh: Võ Hà
Về tình hình khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế liên quan đến việc lắp đặt camera, trạm cân để theo dõi, giám sát khối lượng khai thác thực tế; về ranh giới, trình tự, công suất khai thác; một số mỏ chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Việc khai thác khoáng sản trái phép ở một số huyện miền núi của tỉnh vẫn còn tái diễn liên tục và phức tạp. Công tác theo dõi, thanh tra, tuần tra, truy quét, chốt chặn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm chưa kịp thời, triệt để; do lực lượng còn thiếu và hạn chế về chuyên môn vì phần lớn đều kiêm nhiệm và không được đào tạo chuyên môn ngành địa chất - khoáng sản.
Để công tác quản lý việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng đi vào nề nếp, kỷ cương, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiến nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, khoáng sản đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khi thi hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thi hành Luật Khoáng sản và xử lý các vi phạm liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tất cả các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin về pháp lý hoạt động khai thác khoáng sản; niêm yết công khai giá bán của các loại sản phẩm vật liệu xây dựng tại mỏ, thực hiện bán theo đúng giá niêm yết. UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp theo đúng quy định.
Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn theo quy định. Nhất là tại một số địa phương đang diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản nhiều như Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn.
Trường hợp vi phạm thì đề xuất đình chỉ hoạt động, không xem xét việc gia hạn hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp. Cục Thuế tỉnh xây dựng, bổ sung vào kế hoạch thanh tra năm 2023 để tổ chức thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về kê khai thuế, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc mua, bán, xuất, nhập, vận chuyển khoáng sản đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm (nếu có).
Trần Bình
Bình luận