Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/10/2024 03:10
Chủ nhật, 15/09/2024 14:09
TMO - Tất cả các loại cây khi đánh lên, di chuyển đều phải có bao bọc bầu đất để giữ lượng đất tổi thiểu và đảm bảo an toàn cho bộ rễ của cây. Tuy nhiên, khi trồng xuống, nếu bao bọc bầu đất bằng nilon hoặc chất liệu khó phân hủy phải được gỡ bỏ để không ảnh hưởng đến quá trình phát triển bộ rễ. Biện pháp kỹ thuật này nếu không được thực hiện tốt thì nguy cơ cây sẽ bị ngã đổ là rất cao, bởi tán cây phát triển rộng nhưng bộ rễ lại phát triển không đúng với tỷ lệ của tán cây.
Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu đã hình thành nhiều loại hình thời tiết, thiên tai (khô hạn, bão gió, mưa lớn thất thường, dị thường), trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, đặc biệt là mưa bão. Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong các trương trình, mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đều phải được lồng ghép nội dung này. Đơn cử như trong nhiệm vụ lập quy hoạch (đặc biệt là quy hoạch đô thị) thì mảng xanh, không gian xanh, hệ thống cấp, thoát nước, môi trường… phải được được coi trọng và tính toán có tầm nhìn mang tính chiến lược.
Đối với ‘mảng xanh/không gian xanh’, những năm gần đây, tình trạng cây xanh đô thị thường xuyên bị gãy, bật gốc, ngã đổ mỗi khi có mưa to, gió lớn không còn là chuyện hiếm hoi, xa lạ khiến người dân thấy xót xa, tiếc nuối bởi trong số những cây ngã đổ có nhiều cây chỉ mới trồng, nhiều cây trồng được 5 đến 15 năm, rất lãng phí tiền của, công sức chăm sóc, bảo vệ và cũng chính vì điều này dẫn đến nhiều người hoài nghi với việc lựa chọn và khâu trồng cây xanh.
Một cây xanh bị đổ do bão số 3, quan sát chỉ có rễ ăn ngang, ít rễ cọc.
Bão và hoàn lưu bão số 3 lướt qua để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản (trong đó thiệt hại về cây xanh ở các khu đô thị là rất lớn, đặc biệt ở Hà Nội). Theo số liệu thống kê chưa đẩy đủ, bão và hoàn lưu bão số 3 tàn phá khiến hơn 40.000 cây xanh trên địa bàn Hà Nội bị gãy, đổ (trong số này có cả những cây mới trồng, cây lâu năm và cây cổ thụ). Việc cây xanh bị gãy, ngã đổ, bật gốc đã ‘phát lộ’ bộ rễ của cây, điều này khiến không ít người tò mò và trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi. Không ít ý kiến cho rằng, ngoài do mưa lớn, gió mạnh (tức là do thiên tai), việc nhiều cây xanh bị bật gốc, đổ là kỹ thuật trồng chưa được đảm bảo (tức là do nhân tai), đơn cử như: Không loại bỏ lớp bao bọc bầu đất khi trồng, hố trồng không đủ chiều rộng, chiều sâu, vị trí trồng không phù hợp (không đảm bảo không gian, diện tích đất tối thiểu để cây phát triển)…
Chuyên gia nói gì?
Theo PGS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, tất cả những cây khi trồng đều có bầu đất, rễ. Tuy nhiên vấn đề là bọc bầu bằng cái gì? (Ví dụ bao tải bọc rễ, lưới thưa, dùng lưới dày giống lưới che sáng cho vườn ươm… Tuy nhiên, phải chú ý loại chất liệu có dễ phân huỷ hay không khi trồng cây xuống. Điều này rất quan trọng bởi liên quan đến quá trình phát triển của bộ rễ, nếu chất liệu dễ phân hủy thì rễ cây sẽ dễ dàng xuyên qua. Ngược lại nếu bao bọc bầu dùng chất liệu khó phân hủy sẽ ảnh hưởng, bởi bộ rễ rất khó để phát triển theo chiều sâu và chiều ngang, do đó rất dễ bị bật gốc, đổ khi gặp mưa to, gió lớn. PGS Hải khuyến cáo khi đánh cây từ nơi ươm, di chuyển đến vị trí trồng phải bọc rễ cây bằng lưới thưa, dễ phân hủy để rễ có thể phát triển khi được cắm xuống đất. Ngoài ra, nếu sử dụng lưới dàn che nắng và buộc chặt lại, khi trồng nếu không gỡ ra cây cũng khó phát triển vì bộ rễ phát triển chậm.
PGS.TS Trần Ngọc Hải trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường.
Cùng quan điểm, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, cho biết tất cả các cây khi di chuyển đều phải có bao bọc bầu đất và khi trồng xuống phải giữ được bộ rễ, nhất là rễ cọc để cây có thể ăn sâu xuống đất. Trong cơn bão vừa qua (bão số 3 - pv), cây bị đổ nhiều vì có những cây đường kính thân lên tới 25-35 cm, tán lá to nhưng bầu cây, bộ rễ nhỏ dẫn đến cây bị gió quật đổ. Theo chuyên gia Lê Huy Cường, trong quá trình trồng cây, đôi khi trồng xuống cây được phun chất kích thích để nhanh ra lá, phát triển cành nhưng hệ rễ ko kịp phát triển kịp so với cành lá, nên không chống đỡ được gió lớn bởi rễ cọc ko phát triển.
“Đối với đô thị Hà Nội, nên chọn những nơi/điểm phù hợp để trồng các loại cây đặc thù của Thủ đô như: Xà cừ, sấu, muỗm… những cây này tồn tại cả trăm năm”, chuyên gia Cường cho hay. Cũng theo chuyên gia Lê Huy Cường, nên chọn các loại cây phù hợp để trồng trên các đại lộ, cao tốc, dải phân cách bị bê tông hóa…không có đất để phát triển rễ. Khi được hỏi về việc xuất hiện nhiều cây bị đổ không gỡ bỏ bao bọc bầu gốc, chuyên gia Cường cho rằng, đây là lỗi của công nhân, cán bộ đi kiểm tra kĩ thuật trồng…).
Chuyên gia Lâm nghiệp Lê Huy Cường trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường.
Về nguyên nhân khác khiến cây xanh hay bị bật gốc, đổ, PGS Hải cho rằng, do quây bồn, xây tạo thành bồn cây sau đó mới trồng, hoặc san lấp mặt bằng cát khiến kết cấu lớp đất ở bên dưới cây trồng yếu, khiến tất cả rễ bên không đâm xuyên qua được thành của bồn. Rễ cây bị bó lại trong khung nên chỉ gió to là lật chưa nói đến bão. Do đó phải tính toán đến việc tạo diện tích phù hợp để rễ cây có thể ăn sâu dưới đất.
Lưu ý gì?
Theo các chuyên gia, khi trồng tuỳ theo tuyến phố, hè phố rộng hay hẹp để bố trí loại cây phù hợp. Hiện nay ở các vỉa hè có nhiều ống nhựa, xây bê tông, hệ thống cấp thoát nước…khi triển khai, nhiều khi phải chặt bỏ 1 phần rễ cây để thực hiện công trình, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của cây. Khi chọn loài cây để trồng, phải nghiên cứu kỹ được điều kiện, đặc điểm, bằng thực tế quan sát, điều tra, nghiên cứu về cấu trúc bộ rễ, sinh trưởng, là cây thường xanh hay rụng lá…
Một cây xanh bị đổ do bão số 3. Ảnh: Khánh An.
Với những cây hiện tại, các chuyên gia khuyến cáo, nên tỉa tán và hạ tán để giảm sự ảnh hưởng của gió…Tỉa theo từng loại cây, tuỳ từng loại mà tỉa ít hay nhiều. Có những loại cây hoa như bằng lăng, phượng, nếu tỉa quá nhiều cây sẽ không ra hoa hoặc ra hoa rất ít vào năm sau. Nên trồng xen kẽ, không lên trồng 1 loại cây trong cùng khu vực hoặc tuyến đường. Thông thường, tán cây và bộ rễ sẽ phát triển theo cùng tỷ lệ, do đó trong quá trình làm các công trình xây dựng hay làm đường ống cống, xây dựng đường cáp…không nên chặt rễ ngang để đảm bảo độ ổn định phát triển của cây.
Hàng cây xanh vẫn vững chắc sau khi bão số 3 càn quét qua.
Hà Nội trồng lại cây xanh ngã đổ sau bão: Chuyên gia nói gì?
Người dân Hà Nội: “Chưa bao giờ thấy cảnh tượng cây gãy đổ la liệt”
TÚ QUYÊN – THU PHƯƠNG – TÙNG DƯƠNG
Bình luận