Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ tư, 04/12/2024 13:12
TMO - Dù là người làng Bình Đà đi làm ăn xa hay dâu rể về làng thì đều kính cẩn gọi cây trôi đầu làng bằng hai tiếng: 'Cụ' trôi. Không chỉ vì tuổi đời của cây đã hơn ngàn năm mà cây còn như một biểu tượng tinh thần che chở cho người dân được bình an, cho mưa thuận gió hòa.
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm: 'Cụ' trôi ngàn năm tuổi trong tâm thức người Bình Đà. Đây là một trong 25 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.
Tác giả: Nguyễn Văn Công (Thường Tín, Hà Nội)
Vang vọng ngàn năm
Một chiều xuân, tôi thong dong tìm về làng cổ Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). Sở dĩ gọi làng cổ vì tên Bình Đà đã không còn được sử dụng trên văn bản hành chính nữa thay vào đó là các thôn Chua, thôn Chằm...
Bản đồ Google map của tôi báo còn hơn 1km nữa mới đến Bình Đà nhưng trong làn mây trắng mờ ảo, tôi đã thấy bóng dáng cụ trôi sừng sững như chiếc ô khổng lồ giữa cánh đồng làng. Cụ trôi như ngọn hải đăng trên cạn để con cháu xa về hướng về mỗi khi lênh đênh trên dòng đời ngược xuôi.
Cây trôi Bình Đà hơn nghìn năm tuổi vẫn sừng sững trước thời gian
Khi tôi dần đến gần cụ trôi, mùi hoa thơm thoang thoảng như dẫn đường, chỉ lối cho tôi. Trước mắt tôi hiện lên một cây cổ thụ thật đẹp và tôn nghiêm, khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Cây cao chừng 10 mét, đường kính tán khoảng 15 mét, chu vi gốc 8 mét, tán đều và lá xanh tốt, đang độ trổ hoa.
Tôi tìm gặp ông Bùi Đăng Thịnh, 72 tuổi thủ nhang đền Nội làng Bình Đà để hỏi chuyện về cụ trôi thì được ông khẳng định chắc nịch rằng, theo tương truyền, cụ trôi được sứ quân Đỗ Cảnh Thạc thời loạn 12 sứ quân (thế kỷ thứ X) trồng để làm mốc ranh giới giữa làng Bình Đà và làng Sinh Quả. Trải qua hơn 1.000 cây vẫn trường tồn và trở thành chứng nhân lịch sử của người dân trong làng. “Ông nội tôi kể, từ hồi ông bé tí đã thấy cây trôi sừng sững như vậy rồi. Trước kia ít có nhà tầng, ai đi xa quê trở về, cách vài km đã thấy bóng cụ trôi, thấy cây trôi là thấy quê hương”, ông Thịnh tâm sự.
Còn theo ông Bùi Quang Hợp, hội viên hội người cao tuổi xã thì cây trôi thuộc họ quéo, lá xanh tốt quanh năm. Đặc biệt, 2 năm cây mới ra hoa một lần vào khoảng sau tết nguyên đán nên còn được dân làng gọi là cây âm dương. Ông Hợp còn trầm ngâm bảo rằng, rất khó nhân giống cụ trôi. “Không biết vì lý do gì mà chúng tôi đã đánh những cây con mọc lên từ quả rụng xuống quanh cụ trôi về trồng nhưng trồng rất khó, hàng trăm cây chỉ sống được vài cây”, ông Hợp cho biết.
Ông Hợp cho biết thêm, nếu năm nay nửa phần cây phía đông ra lộc non, cành lá xanh tốt thì nửa phía tây ra ít lộc, lá thưa và có màu vàng nhạt. Đến năm kế tiếp thì ngược lại hoàn toàn. Nửa phía đông lá vàng thưa thớt, ra ít lộc còn phía tây ra lộc non, xanh tốt. Đặc trưng đơm hoa kết trái cứ luân phiên lặp lại hàng trăm năm nay khiến người dân Bình Đà tin rằng cây có “hồn”, nửa âm nửa dương và rất linh thiêng.
Rất nhiều người sống tôn kính cụ trôi đến nỗi khi quá cố nằm trong nấm mồ, họ đều có tâm nguyện được vái vọng, ngắm nhìn cụ trôi hằng ngày. Bằng chứng rằng, có rất nhiều ngôi mộ xung quanh cụ trôi đều đặt hướng quay, chầu về cụ. Theo người dân địa phương, những ngôi mộ bán kính từ 1 đến 2km quanh vùng đều đặt mộ hướng về cụ trôi để mong được che chở, bảo vệ ở thế giới bên kia.
Cây trôi góp công cho cách mạng
Lần giở những trang lịch sử về cụ trôi Bình Đà, tôi còn được lắng nghe câu chuyện góp công cho cách mạng của cụ. Những năm thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, phong trào đào hầm du kích chống giặc phát triển rất sôi nổi ở huyện Thanh Oai mà tiêu biểu là hầm kháng chiến trong chùa Bối Khê (xã Tam Hưng) được đào năm 1948.
Dân quân du kích Bình Đà cũng đào một hệ thống hầm du kích xung quanh cây và thường xuyên họp bàn cách chống giặc dưới gốc cây trôi cổ thụ (nay là Cây Di sản Việt Nam). Hệ thống hầm hào thông nhau và rất kín giúp du kích ẩn nấp, cất giữ vũ khí. Giặc Pháp đã không ít lần giã súng tiểu liên vào thân mình cụ nhằm tiêu diệt du kích ẩn nấp trên ngọn cây và đã để lại không ít vết thương khó lành theo thời gian cả trăm năm.
Song, giặc Pháp càng hung tợn tấn công thì càng bị du kích Bình Đà tiêu diệt, thậm chí đã có lúc chúng biết du kích ẩn nấp dưới hệ thống hầm dưới gốc ‘cụ trôi’ nhưng không dám tiếp cận. Một phần vì sợ du kích ta giăng bẫy sẵn một phần vì sợ ‘uy linh’ của ‘cụ trôi’ che chở cho du kích, điều đó đã góp công ít nhiều vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta trong suốt nhiều năm dài. Theo thời gian, hệ thống hầm hào nay đã bị lấp kín lại, chỉ còn xuất hiện loáng thoáng trong câu chuyện kể của những bậc cao niên trong làng.
Cây trôi nhìn từ trên cao có tán xoè đều như một chiếc ô khổng lồ.
Sức sống mãnh liệt
Để đạt được tuổi thọ đáng ngưỡng mộ như hiện nay, cụ trôi Bình Đà cũng không ít lần trải qua phen sóng gió, điêu đứng bởi cả thiên tai lẫn nhân tai. Ông Hợp cho biết, hiện nay cụ trôi bị rỗng một phần bên trong, gõ vào gốc cây nghe rõ tiếng bồm bộp.
Khoảng chục năm trước, một số em nhỏ nghịch ngợm đã châm lửa ném vào hốc cây để đuổi mấy con chim lợn bay ra ngoài và gây cháy bên trong. Thấy vậy, những người dân sống gần cụ vội chạy ra bơm nước vào cây dập lửa, thậm chí bơm cả bùn đất vào bên trong thân cây chữa cháy. Rất may, đám cháy nhanh chóng bị dập tắt, gia đình mấy cậu nhóc cũng hú hồn vì chút nữa nghịch dại, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cụ trôi.
Ngoài ra, cụ trôi còn không bao giờ bị sét đánh. Đó là điều mà người dân Bình Đà nào cũng khẳng định chắc nịch bởi bao phen sét đánh giữa cánh đồng đều phải “tránh” cụ ra. Dễ dàng nhìn thấy tán cụ trôi rất đều tựa như một chiếc ô và không hề có “thương tích” rõ ràng do sét đánh, cho dù xung quanh khu vực thì đã bị sét đánh khá nhiều. Có lẽ, cụ trôi có một năng lực siêu nhiên nào đó để sinh tồn và sứ mệnh bảo vệ dân làng của cụ thiêng liêng khiến những tia sét không thể đánh vào cụ.
Chăm sóc, bảo vệ “báu vật” của quê hương
Đối với người dân Bình Đà, cụ trôi như một biểu tượng tinh thần để người dân có thể tìm đến nương nhờ mỗi lúc cảm thấy yếu đuối. Đứng dưới tán cây của cụ, hít thở bầu không khí trong lành, căng đặc ô-xy dưỡng khí, thấy lòng an yên, thấy tâm nhẹ nhõm hơn hẳn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, trưởng thôn Chua cho biết: Trước kia làng có 3 cây trôi, tuy nhiên 2 cây đã chết và hiện chỉ còn cây trôi đầu làng nghìn năm tuổi. Ngoài ra, ở khu vực đền Nội có một cây đa tía và một cây muỗm, dân làng hay gọi là cây xoài hôi đều có tuổi đời khoảng trên 300 năm. Cả 3 cây trôi, đa và muỗm đều đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Còn đối với dân làng Bình Đà thì 3 cây cổ thụ như 3 báu vật của làng, không ai được phép xâm phạm, đặc biệt là cây trôi nghìn năm tuổi.
Ông Bình cũng cho biết thêm, những năm trước dòng kênh chảy qua gốc cây trôi bị ô nhiễm, đất lở gốc, địa phương đã tiến hành xử lý dòng chảy cũng như bồi đắp đất xung quanh để cung cấp dưỡng chất cho cây, đồng thời theo dõi sức khỏe cây hằng ngày, nếu cây có vấn đề sức khoẻ sẽ tham khảo ngay ý kiến chuyên gia sinh học để tìm hướng bảo vệ cây.
Ngoài ra, để hình ảnh cụ trôi đến gần hơn với khách ngang qua Bình Đà, địa phương còn bê-tông hóa con đường chạy qua cây, kê thêm một vài ghế đá khu vực lân cận để tạo điều kiện thuận lợi để dân trong khu vực và du khách thập phương đến chiêm ngưỡng.
2 năm cây trôi mới ra hoa kết trái một lần nên còn gọi là cây âm dương.
Người dân làng Bình Đà có một thú vui rất tao nhã đó là ngắm cụ trôi vào đêm trăng tròn. Dân làng kéo ra ngồi xung quanh cụ và dọc con đường chạy ngang, cùng nhau trò chuyện, ngắm trăng lên. Khi đó những hình khối về cụ trôi hiện lên càng rõ nét, góc cạnh phía trước ánh trăng sáng vằng vằng tạo cho người ta liên tưởng đến cung trăng, nơi chị Hằng đã gợi lên biết bao những câu chuyện dân gian ý nghĩa của dân tộc ta.
Tạm biệt cụ trôi và những người dân làng Bình Đà dễ mến, trong lòng tôi dâng lên sự khấp khởi mừng vui vì được thưởng lãm cụ trôi nghìn năm tuổi thâm u, tôn kính. Càng ấm lòng thêm khi biết người dân Bình Đà thường kể những câu chuyện về cụ trôi cho con cháu trong làng nghe, giáo dục tình yêu với cổ nhân và thiên nhiên, đồng thời ra sức bảo vệ cụ trôi trước sức nặng của thời gian, gìn giữ một giá trị văn hoá thiêng liêng mà hiếm nơi nào có được như mảnh đất tổ Bình Đà./.
Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội. |
Bình luận