Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 22/12/2024 23:12
Chủ nhật, 22/12/2024 15:12
Vượt qua bao bão lớn phong ba, chiến tranh loạn lạc, cây đa đình Đông, làng Hổ Đội vẫn đứng vững tỏa bóng bao thế kỷ, là nét đặc trưng thiêng liêng gắn bó với con người và mảnh đất nơi đây. Cây đa đã chứng kiến biết bao thăng trầm đổi thay của quê hương, một điểm nhấn trong cảnh quan “Văn hóa làng” tiêu biểu của làng quê Hổ Đội nói riêng và làng quê Việt Nam nói chung.
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm: “Về Hổ Đội thăm cây đa di sản 600 năm tuổi”. Tác phẩm đoạt giải khuyến khích Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.
Tác giả: QUÝ HƯNG (Thái Bình)
Từ thần phả, truyền thuyết
Theo thần tích, thần phả của đền, đình và gia phả 12 dòng họ đang sinh sống tại làng Hổ Đội, Thụy Lương, Thái Thụy thì tên đất, tên làng nơi đây đã gắn liền với giai đoạn lịch sử trên dưới 600 năm, từ cuối đời Trần, đầu đời Hồ.
Vào những năm cuối đời Trần, đầu đời Hồ, ông Phùng Thế Kỳ - một vị tướng thời vua Lý Thái Tông – quê ở làng Minh Nghĩa thuộc trấn Sơn Tây nổi danh với tài văn, võ đã có công dẹp loạn ở động Ma Sa – nay thuộc tỉnh Hoà Bình, được vua Trần Thuận Tông gả con gái là công chúa Thiên Hương và phong cho chức Chiêu thảo An phủ xứ, trấn thủ ở miền tả ngạn sông Đà. Khi Vương triều nhà Trần đã suy yếu, quyền bính trong triều lọt vào tay Hồ Quý Ly. Phò mã Phùng Thế Kỳ chiêu mộ những người trung thành vì nghĩa lớn lập đạo quân tinh nhuệ với tên gọi Hổ Bôn nhằm chống lại Hồ Quý Ly.
Bị nhà Hồ truy kích gắt gao, Phò mã Phùng Thế Kỳ, Công chúa Thiên Hương đã cùng đội quân của mình và những người thân tín và người dân làng Láng – Láng Mọc – Cầu Hàn dời thành Thăng Long, qua nhiều hành trình, đã tới vùng đất ven biển Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình). Thấy cây cối um tùm, trước mặt là biển, xung quanh là các cồn cát, lại được bao bọc bởi nhiều sông lạch chằng chịt nên đã quyết định định cư tại đây. Phùng Thế Kỳ lấy tên của đội quân Hổ Bôn để đặt tên cho xóm, ấp mới xây dựng – sau này trở thành làng Hổ Đội - một vùng quê trù phú, giàu có nổi tiếng đất học, đất võ. Khi mất, Phùng Thế Kỳ được triều đình phong là Thượng đẳng Phúc thần.
Sau khi phò mã Phùng Thế Kỳ và công chúa Thiên Hương qua đời, dân làng đã tôn họ là Thần hoàng và xây đình, đền để thờ. Hiện ở đình Đông còn lưu giữ 21 đạo sắc phong của các triều đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn; hàng chục bức hoành phi, câu đối, ca ngợi công lao của các vị thần hoàng đối với dân, với nước; tấm bia cổ được khắc vào thời vua Lê Thánh Tông (nhân ngày vua thân chinh kinh lý về vùng biển Diêm Điền xem xét dân tình và quan sát việc đắp đê ngăn mặn).
Đến Cây đa di sản trên 600 năm tuổi
Trước cửa đình Đông làng Hổ Đội hiện còn cây đa cổ có niên đại trên 600 năm với đường kính 2,5 - 2,7m, chiều cao 25m. Bộ rễ của cây đan cài vươn xa phủ quanh gốc trông thật kỳ thú, tạo thành những hang hốc gồ ghề, cổ kính. Theo di huấn của các tiền nhân truyền lại, cây đa được trồng cùng vào thời gian phò mã Phùng Thế Kỳ quyết định an cư tại đất Hổ Đội, cây như vật chứng khẳng định những ngày đầu “khai hoang lập ấp” của người xưa tại vùng đất này. Đây cũng là nơi tập võ thuật của các sĩ phu yêu nước, chống lại quân xâm lược nhà Minh, là một tiền đồn chống giặc Pháp của đề đốc Tạ Quang Hiện ở cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ XX.
Thời kháng chiến chống Pháp, Hổ Đội là một làng tề luôn bị địch o ép, cán bộ kháng chiến phải hoạt động bí mật. Đình Đông nằm ngoài cánh đồng, cách xa làng nên đã trở thành cơ sở hội họp của cán bộ kháng chiến và cây đa đã thành chòi canh cảnh giới. Dưới tán đa xanh rờn mát rượi không chỉ là nơi chim về làm tổ mà còn là nơi ghi biết bao dấu ấn tuổi thơ, nuôi những ước mơ trở thành người lính, nhiều người chưa đủ tuổi đã viết đơn tình nguyện bằng máu để được tòng quân đánh giặc. Ngày nay, gốc đa là nơi nghỉ mát của dân làng sau những giờ lao động mệt nhọc.
Sau một thời gian bằng các nghiệp vụ nghiên cứu thẩm định, ngày 12-9-2012, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã ra quyết định công nhận cây đa đình Đông làng Hổ Đội, xã Thụy Lương, Thái Thụy, Thái Bình là Cây di sản Việt Nam.
Vượt qua bao bão lớn phong ba, chiến tranh loạn lạc, cây đa đình Đông, làng Hổ Đội vẫn đứng vững tỏa bóng bao thế kỷ, là nét đặc trưng thiêng liêng gắn bó với con người và mảnh đất nơi đây. Cây đa đã chứng kiến biết bao thăng trầm đổi thay của quê hương, một điểm nhấn trong cảnh quan “Văn hóa làng” tiêu biểu của làng quê Hổ Đội nói riêng và làng quê Việt Nam nói chung. Việc chăm sóc, bảo vệ và phát huy giá trị Cây đa di sản Việt Nam tại đình Đông, Hổ Đội là nhiệm vụ của các ngành chức năng trong tỉnh, của địa phương và nhân dân trong vùng. Hơn thế, cây đa lại nằm trong quần thể cụm di tích văn hóa nên cần được quy hoạch, trùng tu, tôn tạo tổng thể để tạo điểm nhấn trong lộ trình thăm quan du lịch của khách thập phương khi về thăm vùng đất cửa biển Diêm Điền.
Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội. |
Vẫn giữ mảng xanh – hình bóng Cây Di sản
Nhiều cây đa non được trồng mới, xanh tốt, bao trùm toàn bộ phần gốc của cây đa cổ thụ. Ảnh: Hà Vi.
Hiện nay, qua dòng thời gian với thiên tai, thời tiết diễn biến bất thường, khắc nghiệt, thật đáng tiếc, cây đa cổ thụ hơn 600 năm (Cây Di sản Việt Nam) không còn (bị chết). Việc cây thị cổ thụ bị chết khiến người dân địa phương thấy tiếc nuối bởi cây thị đã đồng hành, gắn bó mật thiết với tinh thần, đời sống bao đời người dân nơi đây. Cây đa không còn, người dân địa phương như mất đi thứ quý giá mà khó có thể diễn tả thành lời. Tuy nhiên, để cây đa vẫn luôn hiện hữu trong lòng mỗi người dân, người dân nơi đây đã trồng nhiều cây đa non quanh gốc đa cổ thụ bị chết và qua thời gian ngắn, với sự chăm sóc, bảo vệ tốt, những cây đa non này đã nhanh chóng bao trùm gốc đa cổ thụ, tạo thành mảng xanh nhỏ, người dân kỳ vọng chúng sẽ nhanh lớn, tươi tốt để tỏa bóng mát. Việc trồng những cây đa non quanh gốc cây đa cổ thụ đã bị chết cho thấy người dân nơi đây có ý thức và nhận thức rõ vai trò của cây cổ thụ, cây xanh trong đời sống và trong bảo vệ cảnh quan, môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang không ngừng gia tăng.
Bình luận