Hotline: 0941068156
Thứ năm, 08/05/2025 04:05
Thứ tư, 07/05/2025 14:05
TMO - APEC 2027 được kỳ vọng tạo xung lực mới, động lực mới cho Kiên Giang cũng như thúc đẩy Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững. Do đó, cần cơ chế đặc biệt, đặc thù cho địa phương để thực hiện các dự án phục vụ sự kiện này. Nội dung được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nêu rõ trong cuộc họp giao nhiệm vụ chuẩn bị các dự án, công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027 vừa diễn ra mới đây.
Theo đó, tại cuộc họp giao nhiệm vụ chuẩn bị các dự án, công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, địa phương đã chỉ đạo rà soát lại và chọn lọc 29 dự án thành phần với nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách. Ngoài ra, Kiên Giang đề xuất bổ sung dự án về ngầm hoá hệ thống điện và tăng cường chuyển đổi số, số hoá công tác phục vụ APEC 2027.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian rất gấp rút, chỉ còn 19 tháng, Phó Thủ tướng Chính phủ thống nhất cao về tính cấp bách của các dự án này; đồng thời khẳng định APEC 2027 sẽ tạo xung lực mới, động lực mới cho Kiên Giang cũng như thúc đẩy Phú Quốc phát triển nhanh bền vững. Cần có cơ chế đặc biệt, đặc thù cho Kiên Giang để thực hiện các dự án phục vụ APEC 2027. Đây những công trình quốc gia đặt trên địa bàn của Kiên Giang.
APEC 2027 - cơ hội để giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch đảo Phú Quốc. Ảnh minh họa.
Dự kiến sẽ có 2 văn bản về thực hiện một số biện pháp triển khai nhanh các công trình, dự án phục vụ hoạt động đối ngoại, nhiệm vụ chính trị quốc gia tổ chức APEC. Cụ thể là nghị quyết riêng đối với sân bay Phú Quốc và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 quyết định về các nội dung: Giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Kiên Giang; cho phép điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn; danh mục dự án; cho phép áp dụng cơ chế triển khai nhanh; khai thác khoáng sản; cơ chế bổ trợ của ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, các dự án được đưa vào danh mục nhất định phải là dự án phục vụ trực tiếp hay gián tiếp APEC 2027.
Trước đó, trong chuyến thăm, làm việc tại Phú Quốc vào tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo triển khai cấp bách các dự án xử lý rác thải, cấp nước sạch, xử lý nước thải, nâng cấp sân bay, chỉnh trang đô thị, xây dựng các tuyến giao thông…, phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, thành phố hiện đại, văn minh, thông minh, xanh, sạch, đẹp, an toàn, là nơi đáng sống.
Mới đây nhất, hồi đầu tháng 3 vừa qua, phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang về công tác chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) năm 2027 tại thành phố Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị APEC 2027 là sự kiện quan trọng, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước giao với mục tiêu bảo đảm thành công của hội nghị, vừa góp phần quảng bá hình ảnh, phát triển Kiên Giang và Phú Quốc.
Đánh giá cao sự chủ động của Kiên Giang, các cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ thời gian từ nay tới năm 2027 còn rất ngắn, do đó phải rất khẩn trương, nỗ lực trong công tác chuẩn bị. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, các dự án hạ tầng nước sạch (như hồ nước, nhà máy nước) thực hiện theo hình thức đầu tư công. Các dự án nhà máy xử lý nước thải, rác thải thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (BOT). Về nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Quốc, Rạch Giá, Thủ tướng Chính phủ giao Kiên Giang có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công tư.
Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng trung tâm hội nghị tại Phú Quốc và có thể nghiên cứu xây dựng thêm bảo tàng, cung triển lãm…, tinh thần là cần tính toán rất kỹ lưỡng, cụ thể, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, có tầm nhìn lâu dài, có thể khai thác du lịch, thực hiện theo hình thức hợp tác công tư trên cơ sở quy định hiện hành, nếu cần thì đề xuất thêm cơ chế, chính sách, quản lý chặt chẽ trong triển khai, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, thực hiện đầu tư công với các dự án hạ tầng giao thông kết nối từ sân bay về các địa điểm tổ chức, có thể giao tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư. Việc đầu tư các công trình khác theo mục tiêu kép vừa phục vụ hội nghị vừa gắn với sự phát triển chung của Kiên Giang và Phú Quốc.
APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên, đóng góp khoảng 59% GDP toàn cầu và gần 48% thương mại thế giới, là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Việt Nam gia nhập, trở thành thành viên chính thức của APEC từ tháng 11/1998.
Lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị APEC là vào năm 2017, lần đầu tiên vào năm 2006.
Việc tham gia APEC đã mang lại nhiều lợi ích về chiến lược, kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện của đất nước, cụ thể là góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam khi Việt Nam có vai trò, tiếng nói bình đẳng với nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới trong việc xây dựng, định hình các luật lệ, quy tắc về kinh tế, thương mại khu vực; thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần tạo lợi ích dài hạn và đưa quan hệ với các đối tác, trong đó có nhiều đối tác lớn, quan trọng có ý nghĩa chiến lược, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; thực hiện các cam kết về mở cửa thương mại, đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh góp phần tạo động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới, sáng tạo trong nước; góp phần nâng cao năng lực, trình độ hội nhập quốc tế cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp và mang đến những tiềm năng và cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tiếp cận thị trường, thụ hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại, lưu thông thuận lợi.
APEC năm 2024 được tổ chức tại Peru với chủ đề “Trao quyền - Bao trùm - Tăng trưởng” với 3 ưu tiên là thương mại và đầu tư để tăng trưởng bao trùm và kết nối; Sáng tạo và số hóa để tăng cường chuyển đổi sang kinh tế chính thức và kinh tế toàn cầu; Tăng trưởng bền vững để phát triển tự cường.
Với các ưu tiên trên, kể từ năm tham gia APEC, các Bộ, ngành của Việt Nam tiếp tục tranh thủ tốt các nguồn lực của APEC nhằm nâng cao năng lực; chủ trì hoặc đồng chủ trì với một số thành viên các dự án về thương mại điện tử, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó tình trạng khẩn cấp, y tế biển, tăng trưởng bền vững và bao trùm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy chuỗi cung ứng tự cường. Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động cho Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương.
Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số ít thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017; Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 150 dự án trên nhiều lĩnh vực; Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005-2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt. Việt Nam hiện là Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2026-2030.
Kể từ sau khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ nhà APEC 2017, với tinh thần chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm và đối tác tin cậy của trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực trong hợp tác APEC; thúc đẩy triển khai nhiều chương trình, sáng kiến quan trọng của APEC 2017, nhất là sáng kiến của ta về xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Với Tầm nhìn APEC 2040 và Kế hoạch Hành động triển khai Tầm nhìn được các nhà Lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên thông qua, APEC đã hoàn tất thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. APEC năm 2027 sẽ do Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP. Phú Quốc, Kiên Giang.
TÚ QUYÊN
Bình luận