Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ bảy, 07/12/2024 16:12
Cây me cổ thụ trong khu Bảo tàng Quang Trung huyện Tây Sơn – Bình Định được nhiều người biết đến là một trong những dấu tích cổ gắn liền với ba anh em người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ. Đồng thời, đây cũng là Cây Di sản duy nhất của Bình Định được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm: “Dưới bóng me ngàn”. Đây là 1 trong 25 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2025.
Tác giả: THU HIỀN (TP. Quy Nhơn, Bình Định)
Huyền sử bên cội me già
Phía sau tượng đài uy nghi của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ là hình ảnh cây me cổ thụ cao to đồ sộ, nằm vững chãi trước sân khuôn viên Bảo tàng Quang Trung có từ trước khi anh em Tây Sơn tam kiệt ra đời, đến nay đã non 300 năm rồi. Theo những tài liệu còn lại ở Bảo tàng Quang Trung thì tổ tiên 4 đời của anh em nhà Tây Sơn vốn là người họ Hồ ở làng Hương Cái – huyện Hưng Nguyên – tỉnh Nghệ An theo chúa Nguyễn đi khai phá tại vùng đất cao nguyên từ thế kỷ XVII, lấy tên vùng đất mới là ấp Tây Sơn (nay thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Đến đời ông Hồ Phi Phúc (thân sinh của 3 anh em Tây Sơn) theo nghiệp buôn trầu trên dòng sông Kôn và rồi sau khi kết duyên với bà Nguyễn Thị Đồng (ở làng Phú Lạc, nay thuộc xã Bình Thành – huyện Tây Sơn – Bình Định), ông đến cạnh bến Trường Trầu (thuộc làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) dựng lên một ngôi nhà khang trang để ở và tiện buôn bán trầu cau.
Tương truyền rằng, khi dựng nhà ở Kiên Mỹ, thân sinh anh em hoàng đế Quang Trung đã trồng một cây me bên trái sân nhà và bên phải sân thì đào một giếng nước. Anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cũng lần lượt ra đời trong ngôi nhà này và mang họ Nguyễn của mẹ để tránh tai mắt kẻ thù. Hàng ngày, ba anh em thường ra sân rèn luyện võ dưới tán me. Khi mệt, khát nước họ đến ngồi quanh giếng nước, trò chuyện rôm rả… Lúc lớn lên, anh hai Nguyễn Nhạc nối nghiệp cha buôn trầu dòng sông Kôn nên có điều kiện kết giao với nhiều anh hùng hào kiệt trong vùng. Khi ấy bến Trường Trầu cũng là nơi gặp mặt, giao lưu, trao đổi tin tức của ba anh em Tây Sơn với bạn bè trong giai đoạn tiền khởi nghĩa. Và dưới gốc me, anh em Nguyễn Huệ cùng các hào kiệt bàn bạc, hoạch định chuyện dựng cờ khởi nghĩa. Sau khi phong trào khởi nghĩa Tây Sơn thành công, thì cũng tại gốc me cổ thụ này, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã chủ trì nhiều cuộc họp quốc sự cùng các văn thần, võ tướng. Cây me, giếng nước trở thành chứng nhân lịch sử gắn chặt với sự nghiệp của nhà Tây Sơn ngay từ lúc dấy binh khởi nghĩa và xuyên suốt một thời kì lịch sử oai hùng.
Ông Đào Minh Trung (sinh năm 1962) – người dân Kiên Mỹ - thị trấn Phú Phong – huyện Tây Sơn – Bình Định kể rằng, trong kháng chiến chống Pháp, cây me cổ thụ là nơi thờ tự chính của anh em Tây Sơn Tam Kiệt. Hồi ấy, giặc Pháp bắn phá dữ lắm nhưng vùng Kiên Mỹ không hề hấn gì. Người dân trong vùng tin đó là nhờ cây me già che chở dân lành. Khi đó, phía trước cây me có một con đường làng rộng, hàng ngày nhiều người qua lại. Mỗi khi đi qua cây me ai cũng kính cẩn cúi đầu. Chiến tranh khói lửa là thế, nhưng hễ đến ngày giỗ ba ngài Tây Sơn hoặc những trọng lễ, dân làng Kiên Mỹ đều tổ chức cúng tế linh đình dưới tán me. Những người tham gia tế lễ, bà con quanh vùng hay khách thập phương đến chiêm bái đều phải tắm rửa sạch sẽ đàng hoàng. Đặc biệt khi đến khấn nguyện dưới gốc me cũng phải ăn mặc chỉnh tề, cung kính như một nơi tôn nghiêm trường tồn còn lại trong khu vườn nhà Tây Sơn Tam kiệt thuở nào”.
Không chỉ người dân Việt, ngay cả các quan Pháp, các chức sắc người Việt thân Pháp cũng tỏ ra rất tôn kính bên cội me già này vì biết đó là nơi thờ tự ba anh em nhà Tây Sơn. Ông Mạc Ái (85 tuổi) – người hơn 20 năm giữ việc chánh bái khu điện thờ trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung cho biết: “Thuở đó, giặc Pháp mỗi lần đi càn, đâu có dám lại gần cây me đâu. Còn quan người Pháp, người Việt mỗi khi đi qua đoạn đường phía trước cây me cũng phải xuống ngựa, xuống xe để đi bộ qua. Cũng nhờ thế mà dù là chiến tranh, chợ Kiên Mỹ nằm trước con đường đối diện cây me vẫn hoạt động nhộn nhịp vào ban đêm mà không sợ giặc Pháp bắn phá đó!”.
Ban trưa đất trời Tây Sơn hạ đạo đẹp đến nao lòng. Trời xanh, xanh ngắt, từng áng mây trắng bồng bềnh như đứng yên trên đỉnh đầu. Dưới bóng mát của cây me cổ thụ, chúng tôi như mang cảm giác thật bình an. Ngước nhìn về phía tượng đài người anh hùng dân tộc, nghe như thoảng trong gió ngàn tiếng ngựa hí, quân reo và từ xa như vọng lại lời tuyên thệ tế cáo trời đất thật hùng hồn của anh ba Nguyễn Huệ khi lên ngôi hoàng đế: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Và rồi không giấu niềm vui khi đứng ngắm nhìn cây me chứng tích lịch sử, anh Nguyễn Chí Công (55 tuổi) – Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Từ năm 1977, tôi xem cuốn truyện tranh “Quang Trung Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh”, tôi nhớ mãi đoạn truyện đầu tiên: “Một buổi chiều nọ, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đang xem voi tập trận thì từ xa có tiếng vó ngựa dồn dập ập tới. Người phi ngựa nằm rạp trên mình ngựa kìm cương lại. Ngựa hí vang trời. Bắc Bình Vương nhìn ra: “Ồ, đô đốc Nguyễn Văn Tuyết! Mời đô đốc vào trướng!”. Đô đốc Tuyết uống xong chén trà rồi nói: “Thưa chúa công, Tôn Sĩ Ngụy mang 20 vạn quân Thanh đã vượt qua ải Nam Quan rồi. Đại tư mã Ngô Văn Sở theo sáng kiến của Ngô Thì Nhậm đã rút về Tam Điệp đợi lệnh chúa công!”. Nguyễn Huệ đứng dậy quyết định:“Ngày mai xuất quân. Hãy nói các tướng lĩnh chuẩn bị!”. Sáng hôm sau, đất Phú Xuân rợp cờ đào, gươm giáo. Nguyễn Huệ uy nghi đứng trên mình voi: “Để tỏ rõ quyết định của mình, trẫm lên ngôi hoàng đế. Thề sẽ đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi!...”. Do đó, tôi thích mê lắm! Yêu ngay lịch sử nhà Tây Sơn từ thuở đó. Giờ đây, được đứng dưới cội me lịch sử, lòng tôi thật tự hào thay khi là con dân của người anh hùng áo vải cờ đào tài ba lỗi lạc Quang Trung Nguyễn Huệ, người anh hùng 20 năm cầm quân đánh giặc, đánh trận nào cũng thắng!”.
Bảo tồn cây me Di sản
Cây me cổ thụ hiện thời cao khoảng 30m, đường kính thân 1,2m, đường kính gốc 3,9m, tán lá che phủ hơn 600 m2, chiều chiều chim chóc tề tựu về ríu ra ríu rít rất yên bình. Để bảo tồn nguồn gen quý, từ năm 2005, Bảo tàng đã bắt đầu nhân giống me từ cây me cổ thụ này. Theo đó, me cũng là loài cây xuất hiện nhiều nhất trong bảo tàng, bởi lẽ loài cây này đã gắn bó với cuộc sống của Tây Sơn tam kiệt từ lúc sinh ra đến khi dấy binh khởi nghĩa lập nên triều Tây Sơn. Me được bố trí dọc các lối đi trong khuôn viên bảo tàng. Những cây me xanh tốt được tạo hình đẹp mắt, thu hút sự chú ý của đông đảo du khách.
Ngày 28/11/2011, người dân Bình Định nói chung và Tây Sơn nói riêng đã đón nhận một niềm vinh dự lớn lao khi được hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao tặng bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vinh danh cây me cổ thụ nhà Tây Sơn cho Bảo tàng Quang Trung. Đây cũng là cây cổ thụ đầu tiên và duy nhất ở Bình Định được công nhận Cây di sản. Người dân ở huyện Tây Sơn cho rằng cây me mang khí phách hùng thiêng của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ. Vì vậy, cùng với việc thờ tượng hoàng đế Quang Trung trong nhà, nhiều người đến bảo tàng tìm giống me cổ thụ đem về trồng trong vườn của mình. Có nhà vườn ở Tây Sơn đã tạo thành dáng cây me bon sai đem đi thi các nơi khác đạt giải cao. Ông Châu Kinh Tú – Giám đốc Bảo tàng Quang Trung cho biết: “Có rất nhiều khách tham quan đến từ mọi miền đất nước đã xin thỉnh những cây me con nhân giống từ cây me cổ thụ về trồng như tin vào sự linh thiêng, may mắn, như một nghĩa cử lưu truyền, giữ gìn một giai đoạn hào hùng của nhà Tây Sơn vẫn lưu dấu mãi trong lòng người dân Việt”.
Mặc dù cây me vẫn to lớn, cành lá xum xuê, tán che rợp cả một góc vườn nhưng giờ đây dấu hiệu của “tuổi già” đã điểm những nét ưu phiền lên thân cây. Tay sờ những khối u trên thân me, chị Ngô Thị Thu Hiền – du khách đến từ TP. HCM, gốc người Bình Định – không nén sự u hoài: “Nhiều năm rồi, tôi nghe nói cây me cổ thụ trong Bảo tàng linh thiêng lắm nên nay mới có dịp về thăm. Thân cây to hai vòng tay người ôm không xuể. Trưa nắng giờ Ngọ mà bướm trắng cứ lượn vòng bên thân cây không chịu rời đi. Thiệt tình, tôi cũng có chút không khỏe trong người nên tìm đến bên cây me này nguyện cầu bình an. Ôi, cây cũng như người, cũng có những khối u và phải sống chung với nó. Mong rằng, Nhà nước sẽ có những biện pháp hay để giữ gìn cây di sản này!”.
Theo ông Châu Kinh Tú, sau khi cây me cổ thụ của địa phương được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, nhận thức rõ về giá trị lịch sử, vai trò là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào trào Tây Sơn trong lòng dân tộc Việt Nam của cây me di sản, thời gian qua Bảo tàng Quang Trung đã phối hợp với các tổ, ngành liên quan và địa phương có biện pháp chăm sóc phù hợp, kéo dài tuổi thọ cho cây. Theo đó, tháng 6/2023 Sở NN – PTNT tỉnh Bình Định và các sở ngành liên quan cũng đã tới khảo sát, nghiên cứu, tìm cách để bảo tồn sinh trưởng cây me di sản. Ngoài việc tưới nước, bón phân định kỳ cho cây thì hiện nay, một trong những phương pháp chăm sóc cây me di sản ở Bảo tàng Quang Trung được áp dụng là tiến hành xử lý kỹ thuật bằng thủ công dùng xe thang đưa người lên cắt, tỉa cành, đặc biệt là không cho cây sinh trưởng trái, bởi cây mang trái sẽ “mất sức”. Cùng với đó còn làm vệ sinh các hốc của cây me, không để kiến làm tổ, loại trừ các loại nấm mốc. Ngoài ra, các nhân viên bảo tàng vẫn thường tưới nước dưỡng ẩm cho cây me, bón phân Humic pha loãng để bổ sung dinh dưỡng cho cây, vệ sinh rong rêu, dùng thuốc trừ sâu đục thân cho cây…
Hiện tại, để bảo vệ cây me di sản, Bảo tàng Quang Trung tiếp tục thực hiện quy trình đang áp dụng và các biện pháp theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định cũng như Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam. Ông Châu Kinh Tú – Giám đốc Bảo tàng Quang Trung cho biết: “Chúng tôi sẽ có giải pháp chống đỡ cây me trong mùa mưa bão năm 2024 để tránh ngã đổ. Về lâu dài, bảo tàng sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn để triển khai thêm các biện pháp chăm dưỡng cây theo khoa học để cây me di sản tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử!”.
Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội. |
Bình luận