Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 21/12/2024 23:12
Thứ ba, 17/12/2024 14:12
Từ bao đời nay, cây thị hơn 700 năm tuổi (ở thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) gắn với sự tích cứu vua Lê Lợi đã được người dân nơi đây xem như “bảo vật” của làng. Trải qua nhiều biến cố theo thời gian, cây vẫn trường tồn và tràn đầy sức sống.
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm: Chuyện về “cây thị ăn thề” hơn 700 năm tuổi gắn với sự tích “cứu vua Lê Lợi”. Tác phẩm đoạt giải trong Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.
Tác giả: PHAN ẤN (Hà Tĩnh)
Những ngày đầu tháng 7.2024, nắng như đổ lửa với nền nhiệt độ gần 40 độ C, vượt gần trăm cây số đường rừng ngược lên đại ngàn Trường Sơn, phải rất khó khăn, tôi mới đến được địa bàn thôn Kim Sơn (xã Kim Hoa) để tận mắt chứng kiến và nghe kể về cây thị đã tồn tại từ hàng trăm năm nay, gắn với sự tích cứu vua Lê Lợi thoát nạn trước sự truy đuổi của quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV.
Cây thị hơn 700 năm tuổi tại thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Sự tích cứu vua Lê Lợi
Lúc vừa có mặt, mặt trời cũng đã đứng bóng. Một không gian yên tĩnh hiện ra trước mắt làm tôi có những cảm xúc khó tả. Ngôi làng vẫn còn giữ được những nét cổ xưa, được bao bọc xung quanh là các dãy núi điệp trùng, chính giữa dãy thung lũng nổi lên một gò đất nhô cao tạo ra một thành lũy, làm lá chắn bảo vệ cho mảnh đất này trước những tác động khắc nghiệt từ thiên nhiên.
Cũng tại vị trí này, cây thị hơn 700 năm tuổi đã trường tồn cùng năm tháng luôn được người dân nơi đây chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt. Theo quan sát bằng mắt thường, cây thị nằm trên một khu đất riêng biệt, tiếp giáp khuôn viên của 3 hộ dân. Cây có chiều cao hơn 40m, chu vi đoạn gốc tiếp giáp với mặt đất khoảng 12m, gốc sần sùi, rêu và nhiều loại cây leo bám xung quanh thân. Phần gốc có hốc rỗng khoét sâu vào thân có thể chứa được 4 – 5 người.
Theo lời các cụ cao niên ở thôn Kim Sơn, vào năm 1425, khi cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh của vua Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) ở Lam Sơn (Thanh Hóa) gặp khó khăn, nhà vua đã quyết định kéo quân di chuyển vào vùng đất Đỗ Gia (tức Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) để lập căn cứ địa.
Trên đường vào đến Hương Sơn cũng vừa lúc trời vừa chập tối, vua Lê Lợi bị giặc Minh truy đuổi, đến làng Cổ Đậu (thôn Kim Sơn ngày nay) thì phát hiện cây thị sum suê, phần gốc rỗng ruột, vua Lê Lợi được thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện chỉ dẫn chui vào ẩn nấp trong hốc cây thị này.
Nghi ngờ vua Lê Lợi ẩn nấp phía trong, giặc Minh liên tiếp dùng giáo xỉa vào cây. Đàn chó săn của giặc mang theo cũng liên tục lùng sục. Lúc này, bất ngờ từ trong hốc cây thị có con cáo trắng chạy ra đã đánh lạc hướng khiến giặc Minh và đàn chó săn của chúng đuổi theo. Nhờ vậy mà Lê Lợi thoát nạn.
Cũng tại gốc cây thị này, vua Lê Lợi và thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đã cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc Minh.
Sau khi đánh đuổi giặc Minh thành công, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại lịch sử:
"Cắt tóc, giết ngựa trắng
Dưới gốc thị thề nguyền
Nguyện đồng tâm đồng chí
Phá giặc xây cơ đồ".
Ông Uông Trung Hòa, (SN 1960), ở thôn Kim Sơn chia sẻ, từ bao đời nay, cây thị tại thôn Kim Sơn đã gắn bó với con người và mảnh đất nơi đây. Trải qua hàng trăm năm, mặc cho nắng, gió, mưa bão rất khắc nghiệt, cây vẫn đứng vững, xanh tốt quanh năm.
Phần gốc cây có hốc rỗng giống như một căn hầm trú ẩn, các lớp võ đã sần sùi, cổ kính.
Bảo vệ môi trường và nguồn gen quý hiếm
Theo ông Uông Trung Hòa, hàng năm, địa phương phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, bão lũ tàn phá. Cứ đến mùa mưa bão, nước từ thượng nguồn ồ ạt đổ về trắng xóa cả cánh đồng. Ở những vùng trũng thấp, để đảm bảo an toàn cho người và gia súc, người dân thường di chuyển lên khu vực các nhà dân ở xung quanh gốc cây thị để trú ngụ. Nhờ có cây thị nên khu vực này luôn được an toàn, mặc dù ở trên đồi cao nhưng chưa bao giờ khu vực này xảy ra sạt lở đất. Trước những trận cuồng phong do mưa bão gây ra, cây vẫn đứng vững, bảo vệ, che chắn cho các hộ dân sinh sống tại đây.
Một phần rễ cây theo thời gian đã nổi lên mặt đất, tạo thành lớp sừng bám chặt vào thân cây.
Ngoài ra, cây thị này còn có những giá trị về mặt tâm linh trong đời sống thường ngày của người dân nơi đây. Cây được ví như một vị thần linh thiêng. Hàng năm, cứ đến dịp lễ Vu Lan - Rằm tháng Bảy, cây lại cho trĩu quả, chín một màu vàng rực, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Rất nhiều người dân và du khách thập phương thường đến đây vào các ngày mồng một, ngày rằm, hoặc các dịp lễ, tết để thắp hương, cầu xin điều may mắn.
Năm 2001, nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí xây dựng miếu thờ dưới gốc cây thị, trên bia khắc dòng chữ: "Gốc thị sử tích, mùa thu Ất Tỵ 1425 Lê Lợi - Nguyễn Tuấn Thiện tuyên thệ / Thệ phát sơ thù Minh thị hạ / Quyết tâm bất dịch, trợ hòa đao". Người dân địa phương đã đóng góp kinh phí xây dựng miếu thờ dưới gốc cây thị.
Ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, cây thị tại xóm Kim Sơn đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ra quyết định công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đây là một cây thị quý hiếm, việc bảo tồn cây không chỉ trực tiếp bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn gen và đa dạng sinh học, mà còn giúp quảng bá về lịch sử, văn hóa và con người nơi đây. Cùng với đó, việc bảo tồn cây còn để giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm cho các thế hệ con cháu mai sau.
“Hàng năm, chính quyền cùng với người dân địa phương đã quan tâm tôn tạo, chăm sóc và bảo vệ cây thị trước những tác động xấu từ con người và thiên nhiên. Địa phương cũng đang tiếp tục đề xuất với các cấp, các ngành cấp trên quan tâm hỗ trợ các nguồn lực trong việc bảo tồn và chăm sóc cây thị được xứng tầm hơn, trở thành địa điểm du lịch đón du khách thập phương đến thăm quan và trải nghiệm”, ông Đoài chia sẻ.
Năm 2023, cây thị tại thôn Kim Sơn đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Bảo vệ Cây Di sản gắn với bảo vệ tài nguyên rừng
Theo xu thế phát triển của xã hội như hiện nay, nhiều diện tích rừng đã bị chặt bỏ không thương tiếc, thay vào đó là hệ thống hạ tầng đường giao thông, các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, trang trại chăn nuôi, khu du lịch… Đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, làm biến đổi khí hậu toàn cầu, tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người và các loài động thực vật.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, rừng có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người. Rừng không chỉ là lá phổi xanh của trái đất mà còn đóng vai trò cần thiết trong việc kiểm soát lũ và điều hòa dòng chảy của sông ngòi. Vì vậy, để hạn chế được thiên tai, lũ lụt, hạn hán thì công tác chăm sóc, bảo vệ rừng phải thường xuyên được quan tâm. Hiện nay, các diện tích rừng đang ngày càng bị suy giảm dần, làm cho lũ lên nhanh và mức độ tàn phá nặng nề hơn so với trước đây.
Theo ông Bá, Hà Tĩnh có đặc điểm khí hậu khắc nghiệt, với hình thái thời tiết khác với nhiều tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ. Mảnh đất được ví "chảo lửa túi mưa" được đánh giá là một trong các tỉnh có nhiều thiên tai và để lại hậu quả nặng nề trong cả nước. Tại địa phương này, mùa mưa lũ tập trung từ tháng 8 đến tháng 11 nhưng chiếm 60-70% lượng mưa cả năm. Đặc điểm sông ngắn và dốc nên lũ cũng khủng khiếp hơn nhiều tỉnh trong khu vực. Khó khăn càng đòi hỏi các tổ chức và cá nhân phải thường xuyên nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng và môi trường sinh thái.
Trải qua hàng trăm năm, cây vẫn trường tồn, xanh tốt và tràn đầy sức sống.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan như hiện nay, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt do những tác động xấu từ con người gây nên. Công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đang là vấn đề cấp bách cần được đặt lên hàng đầu. Trong đó, việc chăm sóc, bảo vệ rừng, bảo tồn các Cây Di sản và đa dạng sinh học đang là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần phải có sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội.
Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội. |
Bình luận