Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/04/2025 06:04
Thứ hai, 21/04/2025 06:04
TMO - Với điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, thổ nhưỡng phù hợp và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, Quản Bạ đang từng bước khẳng định vị thế là vùng sản xuất rau trọng điểm của tỉnh Cao Bằng.
Việc xây dựng thương hiệu vùng trồng rau không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản, mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn.
Vụ Đông năm 2024, toàn huyện Quản Bạ thực hiện trồng trồng gần 1.300 ha cây rau vụ Đông tại 13 xã, thị trấn. Ngành nông nghiệp của các xã, thị trấn đã chủ động nắm bắt tình hình trên từng diện tích trồng trồng, diễn biến thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng.
Việc canh tác cây rau cho thu nhập cao gấp 3- 4 lần, bên cạnh đó đầu ra cho cây rau cũng đảm bảo tính ổn định. Chính vì vậy tùy thuộc vào chất đất, khí hậu của từng xã, thị trấn, huyện Quản Bạ đã định hướng từng loại rau phù hợp cho nhân dân như: Đất sét, thịt đảm bảo nguồn nước tiêu để tiến hành trồng củ cải, su hào, súp lơ; với vùng đất thoải hoặc bậc thang sẽ tiến hành trồng chua cà; đất có nhiều đá lẫn thì trồng bí xanh, su su…
Đến nay, các diện tích rau được trồng sinh trưởng, phát triển tốt; người dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng theo hướng quy mô, tập trung. Trong số các địa phương của huyện Quản Bạ, xã Quyết Tiến là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, nguồn nước dồi dào và đất đai màu mỡ, Quyết Tiến đang khẳng định vai trò là vùng rau trọng điểm của huyện. Theo chia sẻ của một số người dân thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến, gia đình đã chuyển diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng rau màu cho giá trị kinh tế cao.
Các loại rau được lựa chọn trồng chính gồm cà chua, dưa chuột và bắp cải trên diện tích 7.000 m2, mỗi năm luân canh 3 vụ. Nhờ đó, tổng doanh thu đạt khoảng 650 triệu đồng/năm; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng. Có được kết quả như vậy là nhờ áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác, đồng thời chủ động liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ ổn định sản phẩm”. Từ những mô hình hiệu quả trên, xã Quyết Tiến đã hình thành vùng rau tập trung với tổng diện tích 490 ha.
Trong đó, diện tích dưa chuột chiếm trên 209 ha, cà chua khoảng 148 ha, còn lại là các loại rau màu khác. Các mô hình này tập trung tại các thôn: Nậm Lương, Dìn Sán, Đông Tinh, Bó Lách, Tân Tiến, Vĩnh Tiến... Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản đều được nâng cao rõ rệt. Lãnh đạo UBND xã Quyết Tiến cho biết, xã đã thành lập 6 hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn.
Bên cạnh đó còn phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ người dân vay vốn và đồng hành trong quá trình chuyển đổi sản xuất. Năm 2024, sản lượng rau toàn xã đạt hơn 15.325 tấn, ước tính tổng thu nhập trên 76 tỷ đồng. Sản phẩm được tiêu thụ tại các cửa hàng rau an toàn trong tỉnh và hệ thống siêu thị tại Hà Nội. Không chỉ riêng Quyết Tiến, nhiều địa phương khác trong huyện cũng tích cực chuyển đổi sản xuất, phát triển vùng rau màu theo hướng hàng hóa.
Tại xã Quản Bạ, diện tích trồng rau đạt 10,16 ha, sản lượng hằng năm khoảng 1.200 tấn, giá trị thu hoạch bình quân 70 triệu đồng/ha. Tổng thu nhập từ trồng rau toàn xã đạt trên 700 triệu đồng mỗi năm.
Người dân Quản Bạ chăm sóc ruộng cà chua.
Theo thống kê, toàn huyện Quản Bạ hiện có trên 2.598 ha rau, củ, quả các loại, sản lượng gần 72.400 tấn, tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước. Các vùng chuyên canh tập trung chủ yếu tại các xã: Quản Bạ, Quyết Tiến, Đông Hà, Lùng Tám, Tùng Vài, Nghĩa Thuận… tạo nên mạng lưới sản xuất rau an toàn liên hoàn, hiệu quả và bền vững. Lãnh đạo UBND huyện Quản Bạ nhấn mạnh, huyện xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là định hướng trọng tâm. Chính quyền đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp mở lớp tập huấn kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng như hệ thống tưới tiêu, đường nội đồng.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu rau an toàn Quản Bạ. Huyện cũng chủ trương lồng ghép các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển nông nghiệp – nông thôn để hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Việc phát triển các vùng chuyên canh rau an toàn không chỉ giúp bà con nông dân ổn định thu nhập, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả.
Bên cạnh đó, tính riêng trong năm 2024 toàn huyện Quản Bạ đã chuyển đổi gần 1400ha ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, trong đó chuyển đổi hoàn toàn trên 105ha sang trồng cây cà chua, cây chè, cây ăn quả ôn đới; chuyển đổi theo cơ cấu mùa vụ 1250ha để trồng các loại rau, đậu, dưa chuột. Các đầu mối liên kết đã thu mua khoảng 11.300 tấn rau, củ, quả trên địa bàn nhằm cung ứng cho thị trường các tỉnh thành như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... Tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt khoảng 62,3 tỷ đồng.
Giai đoạn 2020- 2025, huyện Quản Bạ phấn đấu thực hiện mục tiêu: “Nông nghiệp sạch - Nông nghiệp thông minh - Nông nghiệp hàng hóa”, qua đó tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc xây dựng thương hiệu rau Quản Bạ mang nhiều ý nghĩa quan trọng, cả về kinh tế, xã hội, giúp các sản phẩm rau màu của địa phương dễ dàng tiếp cận các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và thị trường xuất khẩu. Đây là yếu tố then chốt giúp rau Quản Bạ ngày một vươn xa hơn.
Thu Hằng
Bình luận