Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ ba, 01/10/2024 14:10
TMO - Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục đầu tư mạng lưới các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải rắn theo hướng tăng cường tái chế các loại chất thải rắn, hạn chế chôn lấp, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường các khu xử lý chất thải.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh ước khoảng 109.188 tấn/năm, trong đó, khối lượng phát sinh khu vực đô thị khoảng 50.673 tấn/năm, nông thôn khoảng 58.513,9 tấn/năm. Khối lượng thu gom, xử lý khoảng trên 67.788 tấn/năm, đạt 62,08%, trong đó, khối lượng tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý khoảng trên 47.179 tấn/năm, đạt khoảng 93,1%; khu vực nông thôn khoảng trên 21.422 tấn/năm, đạt khoảng 36,61%. Cùng với rác thải sinh hoạt, trung bình mỗi năm toàn tỉnh phát sinh trên 65,556 tấn rác thải y tế.
Nguồn phát sinh rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ các hộ gia đình, khu thương mại dịch vụ, công sở, khu vực công cộng, dịch vụ, các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất. Ngoài các thành phần chủ yếu là hữu cơ (chất thải thực phẩm, giấy, vải, bìa các tông, rác vườn...) và vô cơ (nhựa, cao su, kim loại...), rác thải sinh hoạt còn có thể lẫn các chất thải khác như chất thải điện tử, chất thải có thể tích lớn, pin, dầu thải...
Theo đánh giá Sở TN&MT, một số bãi rác, lò đốt rác thải hiện đã quá tải, xuống cấp, công nghệ lạc hậu,...trong khi đó việc mở rộng, cải tạo còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, do người dân phản đối hoặc không còn phù hợp với quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 27 vị trí xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó 19/27 bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh được bố trí tại các trung tâm huyện, xã; 8 vị trí (3 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 5 vị trí xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp hợp vệ sinh tại thị trấn Tĩnh Túc, xóm Cốc Tắm, thị trấn Nguyên Bình; xóm Nà Bao, xã Minh Tâm (Nguyên Bình); xã Đoài Dương (Trùng Khánh); xã Đức Long (Thạch An) đi vào hoạt động song công suất xử lý còn thấp, dao động từ 300 - 800 kg/giờ.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.
Công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư việc xử lý chất thải còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; hạ tầng cơ sở về xử lý rác thải chưa đảm bảo theo quy định; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân còn thiếu chặt chẽ. Công tác xã hội hóa đầu tư cho xử lý rác thải sinh hoạt còn hạn chế; thiếu nguồn vốn đầu tư cho công trình xử lý rác thải; mức thu phí vệ sinh môi trường còn thấp nên chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư...
Ngoài ra, công nghệ xử lý rác thải hiện tại chủ yếu là chôn lấp, sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí tài nguyên, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; một số bãi chôn lấp thực hiện đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý chất thải còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu...
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, công tác quản lý chất thải rắn nói riêng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm sớm thay đổi nhận thức, thực hiện hành vi tốt hơn. Tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường kiểm tra các hoạt động quản lý chất thải rắn bảo vệ môi trường.
Triển khác tốt các đề án phân loại, xử lý, tái chế chất thải tập trung và phân tán trên địa bàn tỉnh theo tiến độ đề ra. Phối hợp với UBND các huyện thực hiện Dự án xử lý, cải tạo, nâng cấp bãi chôn lấp rác thải tại 2 huyện Bảo Lâm, Trùng Khánh và bãi chôn lấp rác thải Nà Bao, xã Minh Tâm (Nguyên Bình); hướng dẫn các cơ sở hoàn thành xử lý ô nhiễm nghiêm trọng tại 3 bãi chôn lấp rác thải tại các huyện: Bảo Lâm, Nguyên Bình, Trùng Khánh.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn tập trung và phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, tỉnh Cao Bằng phấn đấu đạt 90% tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị được phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 60% tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được phân loại thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường;
Trong đó, tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 30%; đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%; hoàn thành, đưa vào hoạt động 10 lò đốt chất thải sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn Việt Nam về môi trường; trên 80% bãi chôn lấp rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường; 100% trung tâm thương mại, siêu thị có sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường và thay thế khoảng 80% túi nilon khó phân hủy.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 2 mô hình phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn Việt Nam về môi trường sinh hoạt, từng bước triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh; 100% tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến quy trình phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn việt nam về môi trường; 100% tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đồng thời, 90% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 80% tỷ lệ chất thải rắn từ hoạt động chăn nuôi, gia súc, gia cầm phải được thu gom, xử lý bằng bể biogas hoặc sản xuất thành phân compost và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 90% tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế, phấn đấu đạt 50% tỷ lệ bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp phải được thu gom, lưu giữ, xử lý theo quy định; 100% tỷ lệ chất thải rắn y tế được phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Các huyện, thành phố phấn đấu xây dựng, bố trí ít nhất 1 bãi tập kết, xử lý chất thải rắn xây dựng phát sinh, 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, trong đó: 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng công nghệ phù hợp, phấn đấu đến năm 2025, 80% bùn bể tự hoại thu gom của các đô thị được xử lý đảm bảo môi trường.
Địa phương này chú trọng tới hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Ảnh: BCB.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tỉnh Cao Bằng đặc biệt chú trọng đến việc hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Trong đó, tập trung hình thành và hoàn thiện các phương thức thu gom phù hợp với đặc thù của từng địa phương; bố trí và đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp; trang bị các phương tiện, trang thiết bị lưu chứa rác tại khu vực công cộng đảm bảo thuận tiện, thân thiện môi trường và mỹ quan;
UBND các xã chưa có dịch vụ thu gom có trách nhiệm thực hiện việc đôn đốc người dân tập kết chất thải nguy hại đảm bảo đúng thời gian, địa điểm nơi quy định của địa phương mình, có trách nhiệm là đầu mối bàn giao chất thải nguy hại cho đơn có chức năng để vận chuyển, xử lý; rà soát, đầu tư bổ sung công trình xử lý chất thải sinh hoạt (lò đốt rác hoặc nhà máy xử lý rác), phương tiện, thiết bị phù hợp với hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển tại địa phương.
Tiếp tục đầu tư các công trình tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại từ hoạt động sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp: Trước mắt, ưu tiên thực hiện, hoàn thành 03 dự án (Dự án xử lý, nâng cấp và cải tạo bãi rác thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm; Dự án xử lý, nâng cấp và cải tạo bãi rác thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh; Dự án xử lý, nâng cấp và cải tạo bãi rác thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình); khẩn trương đưa vào sử dụng, vận hành 03 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (tại xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh; xã Đức Long, huyện Thạch An; thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình)....
Để rác thải sinh hoạt được xử lý hiệu quả, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm phát sinh rác thải sinh hoạt hằng ngày, xử lý rác thải tồn đọng; đồng thời, sớm triển khai xây dựng các khu xử lý rác thải liên huyện, bao gồm lò đốt rác phù hợp. Tại các bãi chứa, tập kết rác thải sinh hoạt, các địa phương, đơn vị chức năng cần thực hiện đúng hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xử lý các bãi, điểm tập kết rác thải quá tải như: thu gom, xử lý bằng chế phẩm vi sinh, chôn lấp tạm thời đúng quy trình.
Khuyến khích mỗi người dân giảm phát thải, tái chế, tái sử dụng, phân loại, xử lý tại nguồn. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất quá trình tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, đảm bảo quá trình cung ứng dịch vụ được thực hiện theo các quy định hiện hành…/.
Đức Minh
Bình luận