Hotline: 0941068156
Thứ tư, 26/02/2025 00:02
Thứ ba, 25/02/2025 17:02
TMO - TP. Cần Thơ sẽ tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) tại 16 bệnh viện, trung tâm y tế, trong đó có 15 bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, TP. Cần Thơ sẽ tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT tại 15 bệnh viện gồm: Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt; Bệnh viện Tai Mũi Họng; Bệnh viện Phụ sản; Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo; Bệnh viện Trường Đại học Y dược; Bệnh viện Huyết học- Truyền máu; Bệnh viện Quốc tế Phương Châu; Bệnh viện Mắt Sài Gòn- Cần Thơ; Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ; Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long; Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng; Bệnh viện Tâm thần; Bệnh viện đa khoa Ô Môn, Bệnh viện đa khoa Thốt Nốt, Bệnh viện đa khoa huyện Cờ Đỏ và 1 Trung tâm y tế huyện Phong Điền.
Theo UBND TP. Cần Thơ, mục đích của việc tổ chức kiểm tra nhằm tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, UBND quận, huyện; các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong việc thực hiện quy định pháp luật về BVMT trên địa bàn TP. Cần Thơ; nhắc nhở, hướng dẫn lập hồ sơ theo quy định về môi trường đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa thực hiện lập hồ sơ về môi trường; đồng thời, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về BVMT để hạn chế các nguồn tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
TP. Cần Thơ sẽ tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại 16 bệnh viện, trung tâm y tế.
UBND TP. Cần Thơ yêu cầu Đoàn kiểm tra thực hiện công tác kiểm tra phải đảm bảo khách quan, nghiêm túc, toàn hiện, đánh giá đúng tình hình chấp hành các quy định của nhà nước về BVMT của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; đồng thời, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động dịch vụ thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của nhà nước trong việc BVMT; phối hợp, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến các nội dung khi đoàn kiểm tra yêu cầu.
Về nội dung kiểm tra liên quan đến thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Đề án bảo vệ môi trường; Giấy phép môi trường và Giấy xác nhận môi trường; tình hình quản lý, xử lý chất thải nguy hại, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và các quy định có liên quan tại các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; đồng thời, lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm so với Quy chuẩn Việt Nam hiện hành.
Kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành chức năng TP.Cần Thơ đẩy mạnh triển khai. Những năm qua, địa phương này đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng môi trường, qua đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển bền vững.
TP. Cần Thơ hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Với phương châm “không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế”, TP.Cần Thơ xác định, phát triển kinh tế xanh, bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, thành phố đã tập trung quy hoạch, huy động các nguồn lực để triển khai phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… theo hướng xanh, phát thải thấp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và BVMT, nâng cao giá trị hàng hóa, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án được thực hiện nghiêm túc từ giai đoạn đầu tư nhằm phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Thành phố nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường thông qua sự tham gia phản biện của các chuyên gia, các nhà khoa học.
Đồng thời phối hợp thanh, kiểm tra giữa các cơ quan có liên quan đến tính chất của dự án, nhằm kịp thời phát hiện các dự án, cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về BVMT và đề nghị có các biện pháp cải tạo, khắc phục, không đưa vào xây dựng, vận hành các dự án chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về BVMT; không phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cuối năm 2018, nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ đặt tại huyện Thới Lai chính thức đi vào hoạt động. Từ khi vận hành đến nay, trung bình nhà máy tiếp nhận mỗi ngày khoảng 500 tấn rác, quá trình đốt rác tạo ra khoảng 7,5mW điện. Ðến cuối năm 2023, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 98,62%; chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, chất thải y tế đều được thu gom và xử lý đúng quy định.
Ðể đảm bảo cân bằng sinh thái, duy trì sự phát triển bền vững, bảo vệ chất lượng cuộc sống, TP.Cần Thơ xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng. Hệ thống công viên cây xanh của thành phố ngày càng mở rộng. Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2021-2023 thành phố đã trồng đã trồng gần 4,2 triệu cây phân tán, vượt 4,85% kế hoạch.
Ngoài ra, trong lĩnh vực nông nghiệp, Thành phố triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhân rộng các mô hình tiên tiến như VietGAP, Global GAP... Qua đó đã hình thành vùng chuyên canh rau màu tập trung 229ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương 20ha. Vùng sản xuất tập trung cây ăn trái chủ lực, các sản phẩm đặc trưng có thương hiệu với diện tích 11.880ha, có 448ha cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương. Nông dân tận dụng rơm rạ sản xuất nấm rơm và làm phân hữu cơ. Ngành Nông nghiệp hướng dẫn nông dân xây dựng hầm biogas và túi biogas sử dụng để xử lý chất thải trong chăn nuôi, đồng thời tạo ra nguồn năng lượng tái tạo…./.
Đức Nam
Bình luận