Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 07:11
Thứ bảy, 19/11/2022 20:11
TMO - Gần 90% tổng số loài linh trưởng tại Việt Nam đang ở mức nguy cấp và vô cùng nguy cấp, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đã đến lúc cần có những quyết sách và tầm nhìn dài hạn, mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này.
Theo thống kê, trên thế giới hiện có đến 522 loài linh trưởng, trong đó châu Á đóng góp đến 20% tổng số với 119 loài. Tuy nhiên, trong những năm qua, do sự gia tăng hàng loạt hoạt động không bền vững của con người, các loài linh trưởng đã mất dần không gian sinh trưởng tự nhiên. Địa bàn của loài linh trưởng này đã bị chia cắt, thu hẹp đáng kể do hoạt động phá rừng để chuyển đổi thành đất nông nghiệp, các khu vực định cư của con người.
Dẫn chứng nghiên cứu về loài cu li chậm cho thấy, theo khảo sát, 47% người dân tại vùng Đông Bắc Ấn Độ khi được hỏi thừa nhận việc săn bắt cu li diễn ra thường xuyên. 67% tin rằng, đây là một phương thuốc chữa bệnh. 16% số người được phỏng vấn cho biết họ săn bắt cu li để lấy thịt.
(Ảnh minh hoạ)
Tại Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy có tới 90% tổng số loài linh trưởng nước ta đang ở mức nguy cấp và vô cùng nguy cấp. Theo giới chuyên gia về đa dạng sinh học, với điều kiện về địa lý và khí hậu, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước, trong đó có nhiều loài động vật, thực vật hoang dã quý, hiếm, đặc hữu.
Đối với khu hệ Thú linh trưởng, Việt Nam là vùng sống quan trọng của nhiều nhóm khỉ ăn lá như các loài voọc thuộc nhóm Voọc núi đá vôi, các loài Chà vá và nhóm vượn mào.
Đặc biệt, hệ sinh thái nước ta là sinh cảnh sống bản địa của 26 trong tổng số khoảng 600 loài và phân loài linh trưởng thế giới đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) công nhận. Trong đó, có 5 loài và phân loài đặc hữu gồm: voọc mũi hếch, voọc mông trắng, voọc Cát Bà, Chà vá chân xám và khỉ đuôi dài Côn Đảo.
Là quốc gia có số lượng các loài linh trưởng nhiều nhất Đông Nam Á, tuy nhiên, Việt Nam cũng là nước có số loài đứng trước mối đe dọa tuyệt chủng… cao nhất. Theo GS. TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp, Việt Nam hiện có 24 loài, tuy nhiên có tới 22 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. 10 loài trong số này thuộc diện “Cực kỳ nguy cấp” có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, 3/10 loài là những loài đặc hữu của Việt Nam, bao gồm voọc quần đùi trắng, voọc Cát Bà và voọc mũi hếch.
Để bảo tồn và phát triển bền vững các loài linh trưởng, trong 60 năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thiết lập một hệ thống rừng đặc dụng phòng hộ với diện tích hơn 6 triệu ha, chiếm 37% diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn quốc. Hệ thống rừng này được xác định là “tài sản quốc gia”, đồng thời là “nhà” của động vật hoang dã, trong đó có các loài linh trưởng.
Trước đó, ngày 19/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 628/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Kể từ đó đã có nhiều hành động tích cực trong công tác bảo tồn các loài linh trưởng, trong đó nổi bật là việc thành lập các vườn quốc gia, khu bảo tồn loài như Vườn quốc gia Cúc Phương (bảo tồn quần thể voọc quần đùi trắng); Vườn quốc gia Cát Bà (bảo tồn loài voọc đầu vàng); Vườn quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn và Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang bảo tồn loài voọc mũi hếch; Khu bảo tồn loài Khau Ca, Nam Xuân Lạc, Trùng Khánh, Mù Căng Chải, Vân Long…
Ngoài ra, các trung tâm cứu hộ cũng đã ra đời nhằm phục vụ công tác bảo tồn, chuyển vị. “Có thể kể đến sự ra đời của Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng tại Vườn quốc gia Cúc Phương năm 1993. Đây là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời là trung tâm có số lượng linh trưởng được cứu hộ lớn nhất Đông Nam Á. Hiện, Trung tâm đang chăm sóc gần 180 cá thể của 15 loài có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng, có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới.
Các chuyên gia cho rằng, để bảo tồn các loài linh trưởng, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, các trung tâm cứu hộ, còn cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó nòng cốt là các sinh viên được đào tạo bài bản với các công trình nghiên cứu, các dự án có tính khả thi cao về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và các loài linh trưởng nói riêng.
Thiên Lý
Bình luận