Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Chủ nhật, 30/07/2023 18:07
TMO – Mô hình liên kết phát triển du lịch tại khu vực miền Tây, mỗi địa phương đều có nét giống nhau trong du lịch sinh thái, miệt vườn, chợ nổi, văn hóa-lịch sử gắn với di tích, du lịch tâm linh...; nếu như ở Cần Thơ có mô hình “cá lóc bay” thì Ðồng Tháp cũng có; Bến Tre có mô hình trò chơi miệt vườn thì Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau cũng có... Ðiều này khiến du khách dễ có tâm lý đi một nơi đã biết hết mọi thứ.
Những năm gần đây, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng, miền đã được chú trọng. Một loạt hội thảo, văn bản ký kết hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong nhiều vùng đã được triển khai và ít nhiều mang lại hiệu quả. Mới đây, 3 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Du lịch TP Đà Nẵng cùng tổ chức chương trình khảo sát và hội thảo liên kết phát triển du lịch xanh 3 địa phương trong vùng Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, việc liên kết phát triển du lịch xanh giữa 3 địa phương là hành động thiết thực góp phần thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với Quảng Nam, địa phương này xác định phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch và đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh tỉnh Quảng Nam, đây là bộ tiêu chí du lịch xanh đầu tiên của Việt Nam trên 6 lĩnh vực: Khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch dựa vào cộng đồng và điểm tham quan. Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, đến nay ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đang có chuyển biến rất tích cực trên con đường xanh hóa sản phẩm du lịch. Hiện có nhiều sản phẩm/mô hình du lịch được doanh nghiệp quan tâm đầu tư như mô hình lưu trú du lịch xanh kết hợp hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian, mô hình du lịch làng quê, làng nghề, du lịch cộng đồng.
"Cây Di sản Việt Nam" - một trong những sản phẩm hứa hẹn sẽ thu hút khách du lịch đối với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch xanh.
Người dân tích cực tham gia các hoạt động du lịch địa phương, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch có tính giáo dục cao, như tuần hoàn rác - tái chế, đưa nông nghiệp sạch, hữu cơ vào sản phẩm tạo hệ sinh thái du lịch, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo tồn và phát huy tài nguyên du lịch, các giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan sinh thái theo hướng thân thiện với môi trường… Những mô hình này đang được du khách rất quan tâm.
Theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, bên cạnh các sản phẩm du lịch hiện đại, việc xây dựng và phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng được Đà Nẵng quan tâm, xác định là một trong những hướng đi quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo thêm sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu, xu thế lựa chọn của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đã hình thành và đưa vào khai thác như: An Phú Farm, Banarita Glaping Farm, Vườn nho thung lũng Nam Yên, khu cắm trại Yên Retreat, trang trại Mẹ Ken, làng du lịch sinh thái Thái Lai (Hòa Nhơn)…
Tuy nhiên một số khu, điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp vẫn đang ở mức độ bước đầu khai thác, phát triển, chưa hoàn thiện nên chưa thể đánh giá về chất lượng; các hoạt động dịch vụ hiện có chỉ mới thu hút và đáp ứng được khách du lịch nội địa và nội vùng. Do đó, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đề nghị các địa phương cần phải có quy hoạch, định hướng phát triển du lịch xanh đồng bộ. Phát triển cơ sở lưu trú cộng hưởng với dịch vụ du lịch làng quê, làng nghề, nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Đối với TP. Đà Nẵng, trong thời gian tới sẽ phát triển sản phẩm du lịch xanh, du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp tại khu vực: Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn…
Cần tạo thêm nhiều sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền giúp thúc đẩy phát triển du lịch.
Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành du lịch và các địa phương trên địa bàn tỉnh hỗ trợ hình thành và phát triển nhiều điểm du lịch, sản phẩm, tour du lịch. Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó có 12 điểm du lịch sinh thái và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng với các địa điểm như nhà vườn, cầu Ngói Thanh Toàn, đầm Chuồn, phá Tam Giang…Huế có một nền tảng vững chắc để phát triển du lịch xanh. Ngoài nét cổ kính của lăng tẩm đền đài, của hệ thống di sản văn hóa đồ sộ còn có cảnh quan thân thiện môi trường ngay giữa lòng đô thị, cây xanh, công viên xanh bố trí trải đều khắp thành phố, dọc các con sông, đã giúp Huế gây ấn tượng mạnh với du khách. Để thúc đẩy phát triển du lịch xanh, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành "Bộ tiêu chí du lịch xanh" cho mảng khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ lữ hành, điểm du lịch áp dụng trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đồng thời, đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như "tour xanh", "khách sạn xanh", "nhà hàng xanh", "khu nghỉ dưỡng xanh"… để du khách dễ dàng nhận diện và đăng ký sử dụng.
Thực tế, liên kết du lịch giữa các tỉnh hiện nay mới chỉ dựa trên yếu tố địa lý, ví dụ như các tỉnh cùng dọc tuyến; ở cấp nhà nước mới dừng lại ở việc hỗ trợ xúc tiến quảng bá, đào tạo... Việc thiếu “nhạc trưởng” đứng ra điều phối khiến nhiều địa phương nằm trong mắt xích liên kết, sau khi hô hào hợp tác đã quay ra tổ chức các hoạt động du lịch như thể “một mình một mâm”. Điển hình như liên kết cụm phía Tây và phía Đông đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, mỗi địa phương đều có nét giống nhau trong du lịch sinh thái, miệt vườn, chợ nổi, văn hóa-lịch sử gắn với di tích, du lịch tâm linh...; nếu như ở Cần Thơ có mô hình “cá lóc bay” thì Ðồng Tháp cũng có; Bến Tre có mô hình trò chơi miệt vườn thì Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau cũng có... Ðiều này khiến du khách dễ có tâm lý đi một nơi đã biết hết.
Có lẽ, đã đến lúc du lịch từng vùng, miền phải ngồi lại một lần nữa, dưới sự ‘cầm trịch’ của một “tư lệnh cấp cao” đủ sức điều phối các mối quan hệ. Thành phần ấy được cho là “có trên có dưới” thì mới đưa ra được chương trình hợp tác cụ thể, dạng chương trình liên kết mà mọi nhà đều được lợi, không phải lo xảy ra chuyện xé rào, mạnh ai nấy làm.
TÚ QUYÊN
Bình luận