Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ bảy, 11/12/2021 20:12
TMO - Nông nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy, xây dựng chiến lược tổng thể mang tính lâu dài, từ đó chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, bền vững.
Lượng phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp đã tăng lên và chiếm 18% tổng lượng phát thải của Việt Nam, dự kiến sẽ đạt trên 120 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030. Nguyên nhân là do việc tăng sản lượng nông nghiệp thông qua sử dụng nhiều hơn các nguồn tài nguyên, bao gồm các đầu vào vô cơ như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh cho vật nuôi và nước.
(Ảnh minh họa)
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: “Mô hình tăng trưởng của nông nghiệp gần chạm ngưỡng, trong khi tăng trưởng chỉ dựa vào sản lượng và năng suất dễ dẫn tới tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội. Nhiều mặt hàng nông nghiệp chưa đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, khó mở rộng thị trường, sức cạnh tranh thấp. Để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết”.
Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng nhằm mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh ba trụ cột gồm nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, hoàn toàn phù hợp với các định hướng chiến lược của quốc gia trong thời gian tới.
Đẩy mạnh tích hợp các giá trị xanh, đa dạng sinh học và văn hóa sẽ là những bước đột phá đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm của châu Á thay chỉ vì xuất khẩu sản phẩm thô, làm gia công giá trị gia tăng thấp, dựa trên khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực xã hội.
Ông Steven Jaffee, Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng tác động lớn đến môi trường của ngành nông nghiệp Việt Nam là do nhiều nguyên nhân như sử dụng vật tư đầu vào quá mức, quản lý chất thải hoặc đầu ra kém và suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên như rừng ngập mặn, trữ lượng hải sản. Đồng thời sử dụng không hiệu quả nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh. Theo ông, suy thoái môi trường nông nghiệp hiện đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng nông nghiệp, năng suất và sinh kế. Cụ thể, việc đánh bắt quá mức gần bờ và mất sinh kế của hàng trăm nghìn người, độc canh cây lúa làm thoái hóa đất và tăng khả năng kháng sâu bệnh…
Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Carolyn Turk: “Việt Nam có dấu chân carbon khá cao trong sản phẩm nông nghiệp và điều này gây ảnh hưởng đến thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong vòng 30 năm qua. Một số vùng ở Việt Nam như Đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn, mưa bất thường, hạn hán… dự kiến sẽ làm giảm năng suất lúa gạo trong vòng 30 năm tới”.
Theo ông Martien Van Nieuwkoop, Giám đốc Nông nghiệp và Lương thực toàn cầu (WB): “Việt Nam cần thay đổi chi tiêu công trong nông nghiệp, có những cơ chế khuyến khích phù hợp, đánh giá lại về đầu tư công trong nông nghiệp. Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu sở hữu đất để giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ manh mún, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp, lý giải tại sao giá trị gia tăng thấp. Để giải quyết vấn đề này cần có quan hệ đối tác công tư, đưa ra quyết định đầu tư hợp lý cho nông nghiệp”.
“Vấn đề của chúng ta không phải là lựa chọn, mà là hành động. Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội, cần xác định tâm thế này để thay đổi. Đây còn là trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân”. Ngành nông nghiệp cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh” – Ông Lê Minh Hoan chia sẻ.
Gia Kiệt
Bình luận