Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 09:01
Thứ ba, 20/12/2022 18:12
TMO – Khu vực miền Trung là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, là "cửa ngõ" ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên.
Những năm qua, các tỉnh, thành phố miền Trung đều đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế biển; nhờ đó, diện mạo của vùng miền Trung đã có nhiều thay đổi tích cực và vùng đang trở thành một khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế.
Một số địa phương trong vùng đã khai thác, tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển để vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng. Khoảnh cách phát triển của vùng so với mức trung bình của cả nước đang dần được thu hẹp. Văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực ngày càng được nâng cao.
Vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định).
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để trở thành một nguồn nội lực quan trọng cho phát triển. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp. Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động…
Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đều coi biển, hướng ra biển và tập trung vào chiến lược biển để củng cố và tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, thì việc chúng ta quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW "Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện thành công mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong chiến lược đó, phát triển kinh tế biển miền Trung có ý nghĩa và vai trò quyết định, bởi đây là khu vực có 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước (3.260 km). Do đó, phát triển kinh tế biển ở khu vực miền Trung có thể nói là giữ vai trò quan trọng quyết định đối với việc thực hiện chiến lược biển nói chung, Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển nói riêng.
Để phát triển kinh tế biển miền Trung nhanh, theo hướng bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần cải cách thể chế, nâng cao chất lượng quy hoạch không gian phát triển kinh tế vùng biển ở các tỉnh miền Trung đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo hướng bền vững. Hoàn thiện thể chế liên kết nhằm bảo đảm sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả về quy hoạch và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế biển của các tỉnh miền Trung nói riêng. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng phân bổ nguồn lực dàn trải, phân tán dẫn tới lãng phí, sử dụng kém hiệu quả. Trong đó, chú trọng xây dựng bộ máy có tính pháp lý để thực hiện việc hoạch định, tổ chức thực thi các chính sách phát triển vùng, liên quan đến vùng.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện môi trường đầu tư nhằm huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế biển. Hình thành "vành đai du lịch dịch vụ, giải trí cao cấp" nhằm khai thác tiềm năng du lịch, tài nguyên biển vùng Trung Bộ có tính liên kết, hiệu quả, bền vững. Xây dựng, phát triển hệ thống đô thị, nhất là các đô thị ven biển bền vững và đồng bộ về mạng lưới liên kết với các đô thị trong vùng, toàn quốc và quốc tế. Thu hút các dự án lớn đầu tư xây dựng đô thị ven biển nhằm cải thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu để tăng tính liên kết trong phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại.
Các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi với quy mô hợp lý ngành khai thác thủy sản của cộng đồng ngư dân theo hướng bền vững. Điều này vừa có thể góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ ngư dân, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt tài nguyên môi trường vùng ven bờ, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng đánh bắt xa bờ, chuyên môn hóa, phù hợp với từng nghề và từng cộng đồng ngư dân. Đối với vùng ven bờ, bãi ngang, các tỉnh cần có chính sách khuyến khích ngư dân đánh bắt ở vùng lộng và khơi với đội tàu phù hợp với kinh nghiệm của ngư dân.
Theo các chuyên gia, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt phải chung tay tháo gỡ thẻ vàng của EC, vì đây không chỉ là bộ mặt của quốc gia mà còn liên quan đến chính sách khai thác hải sản bền vững, là sinh kế lâu dài của cộng đồng ngư dân. Và khẩn trương có chính sách, giải pháp thay thế Nghị định 67 để tháo gỡ khó khăn cho tàu cá vỏ thép nằm bờ, bị bán đấu giá.
Tú Quyên
Bình luận