Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ sáu, 23/02/2024 07:02
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên cơ sở đơn đề nghị, hồ sơ cung cấp của đơn vị tái chế và ý kiến của sở tài nguyên và môi trường các địa phương, đơn vị này đã công bố danh sách 24 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì.
EPR là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Cơ quan phụ trách EPR có nhiệm vụ tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện các quy định về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Trong số các đơn vị được công bố đầu tiên kể trên có 7 đơn vị đủ năng lực tái chế ắc quy, pin; 3 đơn vị đủ năng lực tái chế dầu nhớt; 4 đơn vị đủ năng lực tái chế sản phẩm điện, điện tử; số còn lại là đơn vị tái chế bao bì, carton.
Các đơn vị được Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia công bố dựa trên cơ sở đơn đề nghị, hồ sơ cung cấp của các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì và ý kiến của sở tài nguyên và môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan. Ngoài ra, có 2 tổ chức được ủy quyền tổ chức tái chế, bao gồm: Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy (VAMM) tại tỉnh Vĩnh Phúc với sản phẩm, bao bì được tái chế là ắc quy, pin, săm lốp, dầu nhớt và phương tiện giao thông; Công ty Cổ phần Tái chế bao bì - PRO Việt Nam tại TP.HCM, tái chế về bao bì.
Ảnh minh họa.
Việc công bố danh sách các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì nhằm mục đích cung cấp, hỗ trợ thông tin cho nhà sản xuất, nhập khẩu biết, tham khảo trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì. Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế với các đơn vị tái chế trong hoặc ngoài danh sách được công bố nhưng phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP (đơn vị tái chế được nhà sản xuất, nhập khẩu thuê để thực hiện tái chế phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật) tại thời điểm ký kết hợp đồng tái chế.
Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia cũng lưu ý các đơn vị tái chế khác bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường có nhu cầu được công bố thông tin về đơn vị mình thì gửi thông tin theo Thông báo số 185/TBBTNMT ngày 7/4/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để được công bố.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông báo số 782 (ngày 18-12-2023) về việc công bố danh sách 2 tổ chức (10 công ty) được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì. Trong đó 1 tổ chức (5 công ty) được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế ắc quy, pin, săm lốp, dầu nhớt, phương tiện giao thông (khu vực phía Bắc) và 1 tổ chức (5 công ty) được ủy quyền thực hiện tái chế bao bì (khu vực phía Nam).
Từ tháng 4-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông báo rộng rãi để các tổ chức, đơn vị tái chế đang hoạt động và tổ chức, đơn vị được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì cho nhà sản xuất, nhập khẩu có nhu cầu được công bố theo quy định thì gửi đơn đề nghị về Vụ Pháp chế để xem xét, công bố.
Danh sách đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố:
Công ty cổ phần Pramac (Hải Dương); Công ty TNHH Nhựa Đông Hải (Hải Dương); Công ty cổ phần Trịnh Nghiên (Nam Định); Công ty TNHH giấy Kraft Vina (Bình Dương); Công ty TNHH Hợp Thành (Thái Bình);
Công ty cổ phần tái chế nhựa Lam Trân (Long An); Công ty TNHH Giấy Đồng Tiến Bình Dương (Bình Dương); Công ty Vạn Lợi TNHH (Bắc Ninh); Công ty TNHH MTV thương mại Tuấn Tài (Hải Dương); Công ty TNHH sản xuất bao bì Nhật Nam (Trà Vinh);
Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper (Bình Dương); Công ty cổ phần nhựa tái chế Duy Tân (Long An); Công ty cổ phần Giấy Koryo Việt Nam (Thanh Hoá); Công ty TNHH bao bì Tân Kim Cương (Hưng Yên); Công ty TNHH Thương mại dịch vụ môi trường Nguyệt Minh 2 Daiki Aluminium (Vĩnh Phúc);
Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Môi trường Nguyệt Minh 2 (Long An); Công ty cổ phần môi trường Thuận Thành (Bắc Binh); Công ty cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình (Bắc Giang); Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh (Bắc Ninh); Công ty TNHH Luyện Kim Thăng Long (Bình Phước).
Phan Hương
Bình luận