Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ tư, 10/05/2023 04:05
TMO - Tỉnh Cà Mau xác định thủy sản là một trong những ngành hàng kinh tế trọng điểm. Trước những khó khăn ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu thủy sản thời gian qua, địa phương này đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thuỷ sản.
Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2023, giảm đến hơn 26% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 11,88%, xuất khẩu phân bón giảm hơn 64%. Cụ thể kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I/2023, đạt 238 triệu USD, gần 20% kế hoạch, giảm gần 12% so với cùng kỳ. Các thị trường lớn đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022: Xuất khẩu sang Mỹ giảm gần 62%, EU giảm 31%, Nhật Bản giảm 50%...
Ngoài ra, giá tôm xuất khẩu bình quân khoảng 10,8 USD/kg, tức giảm 3,34%; giá phân bón bình quân giảm 35,6%. Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều giảm về số lượng lẫn giá. Cụ thể, xuất khẩu phân bón chỉ đạt 36,45 triệu USD, bằng 38,37% kế hoạch, giảm đến hơn 64% so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với xuất khẩu của Cà Mau, đặc biệt ở lĩnh vực thuỷ sản là vấn đề tiếp cận vốn. Các tổ chức tín dụng thắt chặt nguồn vốn do thiếu tài sản đảm bảo; một số tổ chức tín dụng lãi suất cao hơn 9% nên doanh nghiệp khó tiếp cận; hạn mức cho vay thấp nên doanh nghiệp khó chủ động về vốn khi cần thu mua nguyên liệu.
Một số nguyên nhân khác được cho đã tác động không nhỏ đến xuất khẩu thuỷ sản của Cà Mau, như: chi phí đầu vào cho sản xuất, nuôi trồng đều tăng cao do ảnh hưởng giá xăng dầu tăng và tình hình lạm phát tại các thị trường lớn còn tăng cao. Thị trường đầu ra còn yếu do kinh tế một số nước chưa phục hồi, đơn hàng thiếu, một số nhà nhập khẩu còn tồn kho lớn...
Tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu thủy sản (Ảnh minh họa: NT).
Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt Cà Mau nhấn mạnh: Thủy sản Cà Mau là kinh tế trọng điểm; xuất khẩu thủy sản, phân bón là hai mặt hàng lớn chủ lực của tỉnh nên không thể để tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh. Để tháo gỡ kịp thời khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quyết định thành lập Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, sản xuất - kinh doanh và các quy định liên quan, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ngành và địa phương để giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh của kinh doanh. Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, địa phương.
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra vào cuối tháng 4/2023 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ rõ, trong định hướng phát triển thời gian tới, Cà Mau xác định thuỷ sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp cùng với các ngành, địa phương khảo sát thực tế tình hình sản xuất hiện nay để tìm ra hướng tháo gỡ khó khăn phù hợp. Sở Công Thương tỉnh trên cơ sở kinh nghiệm thực tế trong đợt dịch Covid-19 tham mưu UBND tỉnh tăng cường hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước, tổ chức các hội nghị, diễn đàn, hội thảo để quảng bá sản phẩm các doanh nghiệp để tìm kiếm thúc đẩy các thị trường tiêu thụ mới.
Trong thời gian tới, đối với công tác sản xuất, ngành nông nghiệp phải có tính toán cụ thể quy hoạch vùng nuôi tôm tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển vùng nuôi tôm sinh thái, mở rộng các vùng nuôi tôm nguyên liệu đạt các chứng nhận theo yêu cầu phục vụ chế biến xuất khẩu. Các cơ quan quản lý nhà nước làm đầu mối rà soát việc cung ứng, bình ổn giá thành thức ăn, vật tư đầu vào, chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm.
Trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản, Cà Mau định hướng tập trung khai thác thị trường nội địa và đa dạng các mặt hàng sản phẩm bằng cách tiếp cận sâu những thành phố lớn, những địa phương không có mặt hàng thuỷ sản. Đối với lĩnh vực tín dụng, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu các ngân hàng tiến hành rà soát cụ thể, rõ ràng từng doanh nghiệp để xúc tiến nhanh các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, sử dụng vốn hỗ trợ từ Nhà nước một cách có hiệu quả nhất.
Cà Mau hướng đến mục tiêu là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thuỷ sản. Ảnh: BCM.
Theo báo cáo tổng kết tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2022 và kế hoạch năm 2023 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh năm 2022 là 622.100 tấn, đạt 98,75% so kế hoạch, tăng 2,16% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt 386.000 tấn với diện tích đạt 304.911 ha. Sản lượng khai thác thủy sản đạt 236.100 tấn. Năm 2022, Cà Mau có 100% số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (1.565 tàu).
Cà Mau hiện có hơn 250 cơ sở dịch vụ cung cấp giống thủy sản, trên 300 cơ sở bán vật tư, thức ăn thủy sản, thuốc và chế phẩm sinh học; 32 nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản và mạng lưới các đại lý, thu mua sản phẩm thủy sản cung cấp cho các chợ đầu mối, các thị trường lớn trong cả nước, là những điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực NTTS.
Bên cạnh đó, Cà Mau còn có 5 công ty chế biến xuất khẩu thủy sản phối hợp với các Ban quản lý rừng phòng hộ và các đơn vị có liên quan mở rộng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm - rừng tăng thêm 9.089 ha và liên kết sản xuất tiêu thụ với 3 hợp tác xã quy mô 700 ha tôm lúa ở huyện Thới Bình nâng tổng diện tích liên kết là 22.337 ha. Trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021, Cà Mau luôn là địa phương nổi bật trong xuất khẩu chung của ngành thủy sản cả nước với kim ngạch luôn duy trì trên 1 tỷ USD.
Năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng phải đối mặt với không ít khó khăn, có thể kể đến như biến động thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh hay xung đột vũ trang trên thế giới, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ… Tuy nhiên, ngành thủy sản Cà Mau vẫn vững vàng vượt qua thách thức khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,08 tỷ USD, số liệu từ Sở NN&PTNT Cà Mau.
Năm 2023, Cà Mau đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản cao hơn so với năm 2022, đạt 640.000 tấn, tăng 2,9%/năm (sản lượng tôm đạt 243.000 tấn, tăng 6,6%/năm). Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 235.000 tấn, tăng 2,9%/năm (sản lượng tôm đạt 243.000 tấn); sản lượng NTTS đạt 405.000 tấn, tăng 4,9%/năm (sản lượng tôm 233.000 tấn).
PV
Bình luận