Hotline: 0941068156
Thứ tư, 30/04/2025 13:04
Thứ ba, 29/04/2025 13:04
TMO - Tỉnh Cà Mau đang gấp rút mở rộng mạng cấp nước sinh hoạt ở xã Biển Bạch để ngay trong tháng 5 này người dân xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) sẽ có nước sạch sinh hoạt.
Theo UBND huyện Thới Bình, trong năm qua, xã Biển Bạch luôn trong tình trạng khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Đến nay, toàn xã Biển Bạch còn hơn 500 hộ đang khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở các tuyến dân cư: tuyến kênh 500, tuyến Ranh Hạt (giáp ranh tỉnh Kiên Giang).
Trong đó, tuyến kênh 500 là đặc biệt khó khăn về đường xá đi lại. Thời điểm nước ròng, ghe đổi nước không thể vào được nên giá thành nước sinh hoạt rất cao. Ngoài ra, địa bàn xã Biển Bạch còn rất nhiều xóm nhánh, có những hộ ở riêng lẻ, chưa có hệ thống cấp nước nhưng người dân không khoan được giếng nước ngầm, nhiều hộ phải sử dụng nước dưới ao đìa, kênh mương bị nhiễm phèn, nhiễm mặn không đảm bảo vệ sinh, hoặc phải mua nước sinh hoạt với giá đắt đỏ.
Đường ống nước phục vụ cho cấp nước tại xã Biển Bạch.
Ngày 28/4, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, UBND huyện Thới Bình tổ chức khởi công nâng cấp, mở rộng mạng đường ống cấp nước tại xã Biển Bạch Theo Trung tâm, dự án nâng cấp, mở rộng mạng đường ống cấp nước tại xã Biển Bạch hoàn thành, mục tiêu sẽ phục vụ cấp nước cho 170 hộ dân đặc biệt khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Dự kiến sẽ hoàn thành dự án trong tháng 5/2025.
Trung tâm cũng đã tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp như đầu tư các nhà máy cấp nước tập trung cùng với mạng đường ống và đầu tư công trình trữ nước phân tán nhỏ lẻ để giúp bà con nhân dân đảm bảo nước sinh hoạt lâu dài.
Cà Mau là tỉnh duy nhất trong khu vực không có nguồn nước ngọt bổ sung từ hệ thống sông Mekong. Do đó, những năm qua, bước vào mùa khô, một số khu vực trong tỉnh bị thiếu nước và khó khăn trong tiếp cận nguồn nước sinh hoạt. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh còn 1.332 hộ dân khó khăn trong tiếp cận nước sinh hoạt.
Trong đó, tại huyện U Minh hiện còn 504 hộ thiếu nước, chủ yếu ở xã Khánh Thuận, với 229 hộ. Các hộ này sinh sống thưa thớt theo các tuyến kênh và trong lâm phần, thuộc khu vực khó khai thác nước ngầm; nước uống chủ yếu sử dụng nước mưa được trữ tại chỗ, nước sinh hoạt thì vận chuyển từ các giếng khoan, các điểm cấp nước tập trung trong khu vực.
Người dân tại nhiều địa phương vẫn phải trữ nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Huyện Thới Bình còn 506 hộ, thuộc xã Biển Bạch, hầu hết các hộ này sử dụng nước uống từ nguồn trữ nước mưa trong hộ hoặc lấy từ các điểm trữ nước mưa tập trung; nước sinh hoạt từ nguồn dịch vụ vận chuyển hoặc lấy từ các điểm cấp nước miễn phí tập trung. Huyện Phú Tân còn 300 hộ thuộc khu vực dân cư sinh sống phân tán, thưa thớt, nước uống chủ yếu sử dụng nước mưa được trữ tại chỗ; trong đó thị trấn Cái Ðôi Vàm 22 hộ, xã Nguyễn Việt Khái 247 hộ, xã Phú Mỹ 31 hộ. Huyện Trần Văn Thời cũng còn 22 hộ thiếu nước (sống trên đảo Hòn Chuối).
Nhằm giải quyết tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận nước sinh hoạt của người dân ở một số khu vực trên địa bàn, mới đây UBND tỉnh đề xuất Thường trực Tỉnh uỷ cho ý kiến nhiều phương án: Cấp nước cho các tuyến dân cư sinh sống theo tuyến chưa tiếp cận được nước sinh hoạt, với tổng kinh phí cho các công trình khoảng 15 tỷ đồng; cấp nước cho các hộ dân sinh sống phân tán, bằng cách xây dựng 377 bể lót bạt chứa nước mưa hộ gia đình, phục vụ sinh hoạt cho 337 hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6,78 tỷ đồng.
Ðồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn, trong đó đề xuất cho chủ trương chuẩn bị đầu tư một số hạng mục công trình đã xuống cấp, nhằm chủ động trong việc bố trí nguồn vốn phù hợp để triển khai thực hiện đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho khoảng 14 nghìn hộ, với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng.../.
Ngọc Ánh
Bình luận