Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ ba, 21/05/2024 14:05
TMO - Tổng thống Brazil Lula da Silva khẳng định sẽ huy động tối đa nguồn lực khắc phục hậu quả trận lũ lụt lịch sử tại miền Nam nước này trong những tuần qua.
Theo Bộ Kinh tế Brazil, trước mắt, chính phủ sẽ chi 2,6 tỷ USD từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ người dân và xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng đã bị tàn phá nặng nề trong đợt mưa lũ kéo dài từ đầu tháng 4 tại bang Rio Grande do Sul, làm hơn 150 người thiệt mạng, 100 người mất tích và nửa triệu người phải đi sơ tán.
Chính phủ Brazil sẽ cấp khoảng 1.000 USD tiền mặt cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Tuy nhiên, số tiền dự kiến nêu trên có thể còn tiếp tục tăng bởi nhiều gia đình đã bị mất nhà cửa. Chính phủ Brazil sẽ phải mua nhà của các công ty tư nhân để cấp cho người dân ổn định cuộc sống.
Ảnh minh họa.
Ngân hàng Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia (BNDES) đã đưa ra một chương trình cho vay gần 1 tỷ USD với lãi suất thấp cho các công ty vừa và nhỏ. Ngân hàng các nền kinh tế mới nổi BRICS cũng thông báo cho Brazil vay hơn 1 tỷ USD để tái thiết nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và hoạt động nông nghiệp tại Rio Grande do Sul, một trong những địa phương hàng đầu về sản xuất gạo, đậu nành và thịt ở Brazil. Ở thời điểm hiện tại, nước lũ tại các con sông bao quanh thành phố Porto Alegre, thủ phủ Rio Grande do Sul, đang rút, nhiều nơi đỉnh lũ đã qua nhưng mực nước vẫn cao hơn mức nước trung bình 1,5m.
Trận lũ lụt lịch sử ở Rio Grande do Sul cũng khiến lĩnh vực ô tô, ngành then chốt đối với nền kinh tế Brazil, phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Brazil (Anfavea), 10 nhà sản xuất và mạng lưới nhà cung cấp rộng lớn ở khu vực phía Nam đang gặp phải tình trạng gián đoạn nghiêm trọng do lụt lội gây ra sự tàn phá trên diện rộng.
Những tác động kinh tế của tình trạng này rất sâu rộng, ảnh hưởng tới xuất khẩu, thị trường việc làm và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội. Lũ lụt đã bộc lộ những lỗ hổng trong thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng và khả năng ứng phó khẩn cấp với thiên tai của khu vực. Đây cũng có thể là lời cảnh báo đối với châu Mỹ Latinh, nơi nhiều quốc gia phải hứng chịu thiên tai. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của các chiến lược toàn diện, cân bằng giữa môi trường và quy hoạch công nghiệp để đảm bảo khả năng phục hồi trước các thảm họa.
Thanh Nga
Bình luận