Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 02:01
Thứ năm, 26/09/2024 11:09
TMO - Ủy ban là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định phân công Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy làm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế của Việt Nam.
Ủy ban sông Mekong Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam, theo quy định của Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mekong, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan.
Ủy ban sông Mekong Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên Lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam. Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, khu vực, trong nước và các cá nhân có liên quan trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên Lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk của Việt Nam.
Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan: Thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mekong và các quy chế, thủ tục liên quan; thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh; quy hoạch môi trường và chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San - Srêpốk; thực hiện các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt trên các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San- Srêpốk.
Tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thượng nguồn tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam thuộc Lưu vực sông Mekong trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong lưu vực sông Mekong có tác động xuyên biên giới.
Theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên nước, các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mekong nhằm đảm bảo sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước sông Mekong, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam thông qua quy hoạch tổng thể, các dự án hợp tác và nghiên cứu khoa học công nghệ cho lưu vực Mekong, đặc biệt là các dự án trên dòng chính.
Hạ lưu sông Mekong. Ảnh minh họa.
Ngày 5/4/1995, 4 quốc gia là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã ký Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mekong và thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế nhằm tăng cường hợp tác Mekong giữa các quốc gia ven sông. Để tăng cường vai trò của Ủy ban sông Mekong Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định Mekong 1995, ngày 30/12/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 860/TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban sông Mekong Việt Nam.
Trong thời kỳ từ năm 1995 đến năm 2010, hoạt động của Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào các hoạt động chung của quốc gia và Ủy hội sông Mekong quốc tế (sau đây gọi tắt là Ủy hội), tích cực phối hợp với các cơ quan trong nước đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên nước, giám sát số lượng nước và chất lượng nước xuyên biên giới; đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động của Mê Công vào hợp tác song phương và đa phương…; đóng góp tích cực vào việc xây dựng Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội để thực hiện Hiệp định Mekong 1995; đàm phán và ký kết bộ Quy chế về sử dụng nước; tích cực thúc đẩy các hoạt động của Ủy hội; và thực hiện các chương trình và dự án then chốt của Ủy hội.
Xuất phát từ tình hình hợp tác trong lưu vực có nhiều thay đổi, ngày 15/01/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mekong Việt Nam (thay cho Quyết định số 860/TTg) nhằm tăng cường các hoạt động đối ngoại với Ủy hội, các quốc gia ven sông và các hoạt động đối nội nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên…/.
THIÊN LÝ
Bình luận