Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 16:10
Thứ tư, 11/09/2024 11:09
TMO - Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không tích trữ nguồn nhu yếu phẩm quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.
Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão, nhiều địa phương phía Bắc đã có mưa rất to ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc được bảo đảm, không xảy ra biến động lớn về giá.
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không tích trữ nguồn nhu yếu phẩm quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra. Trong bối cảnh nhiều địa phương miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, nhiều doanh nghiệp phân phối đã ngay lập tức triển khai kế hoạch thu hoạch, vận chuyển và phân phối nông sản từ miền Nam ra miền Bắc.
Theo Vụ Thị trường trong nước, trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phực tạp tại nhiều địa phương phía Bắc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương đã khẩn trương nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc và đã có sự chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân. Do vậy người dân đã chủ động mua sắm, hàng hóa dự trữ trước khi bão đổ bộ.
Các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và dự báo các địa phương như Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương... cũng sẽ có hiện tượng ngập lụt, Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở Công Thương chuẩn bị hàng hoá, phân phối hàng hoá. Ngay trong ngày 07/09/2024, Bộ Công Thương đã có Công văn số 6813/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương tại 35 tỉnh/thành phố để chuẩn bị, điều phối hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng để kịp thời cung ứng, đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên và liên tục, liên hệ và chỉ đạo Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối, nhà cung cấp hàng hóa quy mô lớn cập nhật diễn biến thị trường hàng hóa tại các tỉnh thành phố bị ảnh hưởng mua lũ đặc biệt là các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và một số tỉnh thành khác bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra để tập trung hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương.
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không tích trữ nguồn nhu yếu phẩm quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra (Ảnh minh họa: BDT).
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, cơ bản hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vẫn đang được chủ động cung ứng tại chợ hàng 1, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị đều được đảm bảo. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn trên địa bàn chủ động có kế hoạch nhập hàng từ trước vào các kho, bể chứa, đảm bảo cung ứng xăng dầu, gas cho sản xuất và sinh hoạt.
Tại tỉnh Yên Bái, do nước sông hồng dâng lên đã có tuyến đường Thanh Niên gập 2-3m đã xuất hiện ngập cục bộ. Hàng hóa tại chợ, cửa hàng, siêu thị vẫn cung cấp đủ. Còn tại tỉnh Lào Cai, Sở Công Thương cho biết mặt hàng nhu yếu phẩm chủ yếu là mỳ tôm, nước lọc tại các vùng ngập lụt, chia cắt, các hộ gia đình phải di chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên, lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình của các địa phương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 9/9/2024 về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để có chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng điều tiết và vận chuyển hàng hóa, trong đó có mặt hàng xăng dầu phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu, xăng dầu phục vụ người dân, trước đó, vào chiều ngày 9/9/2024, Bộ Công Thương đã có Công văn hoả tốc số 6851/BCT-TTTN gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Quảng Ninh về việc hỗ trợ vận chuyển, cung ứng xăng dầu sau bão số 3.
Trước đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý thời gian sau bão. Bộ Công Thương đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, Tổng cục QLTT, Cục QLTT địa phương bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do bão Yagi gây ra. Phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do ảnh hưởng của bão Yagi hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Ngoài ra, Bộ Công Thương yêu cầu, Tổng cục QLTT, Cục QLTT địa phương phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính. Bám sát diễn biến của thị trường trong nước, tình hình cung cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng vật tư phục vụ nhu cầu sửa chữa, phục hồi sau bão Yagi; phối hợp chặt chẽ với lực lượng QLTT để đảm bảo ổn định thị trường và cung cầu hàng hóa.
Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, Cục QLTT và các lực lượng chức năng trên địa bàn tập trung triển khai công tác quản lý, giám sát thị trường ở từng địa phương. Phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra các vi phạm liên quan đến găm hàng, nâng giá bất hợp pháp; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.
Đức Nam
Bình luận