Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ tư, 31/07/2024 07:07
TMO - UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu sở, ngành và UBND các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng chống bệnh trên đàn vật nuôi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, từ đầu năm đến nay ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường.
Toàn tỉnh hiện có trên 220 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 66 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh; có 10 trang trại được công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và 01 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và được phép xuất khẩu
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển; đàn bò có 183.000 con, so cùng kỳ năm trước ước tăng 2,1%; đàn lợn có 397.500 con, so với cùng kỳ năm trước ước tăng 4,8%; đàn gia cầm có 6.747 ngàn con, so với cùng kỳ năm trước ước tăng 2,5%. Tổng sản lượng thịt hơi các loại 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh ta là 51.800 tấn, đạt 53,9% kế hoạch và tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2023.
Các địa phương tăng cường triển khai tiêm phòng các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Để ngành chăn nuôi của tỉnh ngày càng phát triển, trong thời gian qua các ngành chức năng đã tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tăng cường triển khai tiêm phòng các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, ước trong 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện tiêm phòng được 12.152.000 liều.
Đồng thời, triển khai tốt Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2024, cụ thể đã tổ chức phun 11.600 lít thuốc sát trùng, rải 25 tấn vôi; tổ chức 246 lượt phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các chợ và 220 lượt phun tại các điểm công cộng; phun thuốc sát trùng ở các khu vực có ổ dịch cũ và các hố chôn gia súc mắc bệnh; cấp phát hóa chất sát trùng cho các hộ chăn nuôi, các chủ lò giết mổ gia súc, gia cầm tự tổ chức phun xịt dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.
Qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm của bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng ở gia súc, bệnh Tai xanh trên lợn, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò; một số bệnh truyền nhiễm khác có xảy ra trên gia súc, gia cầm nhưng ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch.
Việc kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá tốt, ước 6 tháng đầu năm 2024 đã thực hiện kiểm dịch được 1.624.464 con động vật các loại và kiểm soát giết mổ 27.652 con động vật các loại. Tổ chức kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại 11 cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết; đồng thời, tiến hành giám sát điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm của 45 quầy, sạp kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại chợ Phan Thiết và chợ Phú Thủy. Qua đó, nhắc nhở các cơ sở giết mổ và các hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm chấp hành nghiêm túc việc đảm bảo vệ sinh thú y trong giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tại các quầy, sạp.
Thời gian tới để tiếp tục chủ động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và cuộc sống của người dân chăn nuôi trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, như điều tra, lấy mẫu, tiêm phòng, phun tiêu độc, khử trùng, xử lý ổ dịch...
Các địa phương chủ động giám sát, chủ động phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ.
Kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc xin trên đàn vật nuôi, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Chủ động phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, thành lập các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm về chăn nuôi, dịch bệnh để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật và quản lý thuốc thú y.
Riêng các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm với tinh thần khẩn cấp ở mức cao nhất. Không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa phương. Cùng với đó, giám sát, chủ động phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh.
UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có động vật buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh…/.
Phương Thoa
Bình luận