Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 22:02
Thứ tư, 19/02/2025 12:02
TMO - Tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quảng bá rộng rãi, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương, nhất là trái thanh long.
Tại tỉnh Bình Thuận, với gần 27.000ha thanh long trở thành cây trồng chủ lực, có lợi thế và hiện đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng, năng suất, chất lượng… Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là nhãn hàng thứ 4 được Nhà nước bảo hộ đăng bạ tên gọi độc quyền trên phạm vi toàn quốc.
Cùng với đó, chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ, trong khi hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit” được 13 quốc gia và vùng lãnh thổ gia hạn bảo hộ. Bao gồm: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Hong Kong.
Tại thị trường trong nước, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thành công “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó có 6 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh tham gia góp mặt với đa dạng sản phẩm chế biến từ thanh long: Rượu vang và nước ép thanh long, thanh long sấy khô - sấy dẻo, mì thanh long...
Thanh long Bình Thuận được quảng bá rộng rãi tại các Hội chợ thương mại trong và ngoài nước.
Đầu tháng 2 vừa qua, Hiệp hội thanh long Bình Thuận đã tham dự Hội chợ triển lãm rau quả Fruit Logistica Berlin tại Đức. Theo đại diện Hiệp hội thanh long Bình Thuận, thông qua hội chợ, Bình Thuận có thêm cơ hội tìm kiếm và tăng cường quan hệ với bạn hàng tại châu Âu. Từ đó, góp phần giúp cho trái thanh long Bình Thuận phát triển hơn tại thị trường "khó tính" này.
Trong năm 2024, Sở Công Thương tỉnh đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nội dung trong các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công địa phương và của quốc gia. Nhờ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, liên doanh, liên kết để hoàn thiện về quy trình công nghệ, quá trình chế biến nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu của sản phẩm.
Cụ thể, hỗ trợ cho Hiệp hội thanh long Bình Thuận và một số doanh nghiệp hội viên tham gia Hội chợ rau quả Asia Fruit Logistica 2024; Hội chợ quốc tế Private Label Show 2024; Hội chợ Thương mại, Du lịch quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2024); Hội chợ thương mại quốc tế Cao Bằng (Việt Nam) - Bách Sắc (Trung Quốc).
Năm 2025, địa phương này tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm, năm nay ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu tham mưu xây dựng vùng chuyên canh thanh long VietGAP, GlobalGAP của Bình Thuận theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến, logistics và thị trường tiêu thụ để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng: Điện, nước, giao thông, nhà đóng gói, kho lạnh, nhà máy chế biến… Qua đó tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho nhu cầu sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm thanh long nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa
Đẩy mạnh hợp tác giao thương, kết nối cung - cầu (cả trực tiếp lẫn trực tuyến) với các tỉnh, thành trong nước để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp địa phương. Hướng đến củng cố, phát triển thêm kênh phân phối thông qua chợ đầu mối, hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm chế biến từ thanh long, góp phần giảm bớt áp lực tiêu thụ trái thanh long tươi. Mặt khác sẽ vận động, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến thanh long tham gia Sàn thương mại điện tử Bình Thuận và tự tạo mã QR truy xuất nguồn gốc.
Các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương này cũng được hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Cùng với thanh long, những năm qua Bình Thuận cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm xúc tiến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm khác của tỉnh. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có 163 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm OCOP 4 sao, 156 sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm chủ lực như thanh long chế biến, nước mắm truyền thống và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã góp phần khẳng định chất lượng và giá trị thương hiệu của Bình Thuận trên thị trường.
Trong năm 2025, định hướng phát triển các sản phẩm OCOP của Bình Thuận sẽ tập trung vào việc mở rộng các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ thanh long và hải sản. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm gắn với du lịch, tận dụng các làng nghề truyền thống để phát triển sản phẩm lưu niệm và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Đặc biệt, nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện đại cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh.
Lê Thuận
Bình luận