Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 17:01
Thứ năm, 02/05/2024 20:05
TMO - Sau nhiều tháng nắng hạn liên tục, sáng 2/5, tại một số khu vực tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã có mưa. Cơn mưa lớn kéo dài hơn 30 phút vào sáng sớm khiến nhiều người dân hết sức vui mừng vì cơn “mưa vàng” xuất hiện giữa lúc hàng loạt vườn cà phê, cao su, tiêu, điều đang héo úa.
Anh Võ Trường Giang ở xã Minh Long (huyện Chơn Thành) đang cạo mủ cho khoảng 4 hecta cao su tươi cười nói: "Bữa giờ nắng cao su mất mùa, nay có mưa rồi, hy vọng cơn mưa này là vào mùa mưa luôn để cho cây cối hồi sinh trở lại”.
Mùa khô năm nay kéo dài và nắng gắt bất thường làm cho nhiều vườn cà phê, hồ tiêu, sầu riêng bị rụng bông, rụng trái vì thiếu nước. Chị Nguyễn Thị Hiền ở ấp Thuận Bình, xã Thuận Lợi (huyện Đồng Phú) có hơn 2 hecta trồng cây tiêu, sầu riêng, nhưng hơn 3 tháng qua trời không có mưa, mặc dù vườn nhà chị có ao đào ở gần suối nhưng vẫn phải nạo vét rất sâu mà không đủ nước tưới. Cơn mưa sáng nay khiến chị rất mừng nhưng vẫn còn lo thời tiết kiểu này không biết vài ngày nữa có còn “mưa vàng” nữa hay không!
Mực nước sông Bé (Bình Phước) sau cơn mưa sáng 2/5.
Cao su là loài cây chịu hạn tốt nhưng nắng hạn kéo dài cũng khiến loài cây này chịu ảnh hưởng lớn. Chị Thị Thiệt người Khmer quê ở An Giang lên xã Thuận Phú (huyện Đồng Phú) nhiều năm qua chuyên đi thuê vườn cao su để cạo mủ (còn gọi là mua khoán vườn cây). Chị Thiệt cho biết, mấy năm trước cứ mỗi hecta cao su thời điểm này cho từ 200 - 300kg mủ nhưng năm nay do nắng hạn kéo dài nên năng suất giảm xuống một nửa. Chị Thiệt cho biết thêm: Mấy tháng rồi không có mưa nên cây khô hết mủ, nay mưa rồi mà không biết có phải thực sự vào mùa mưa chưa. Người trồng cao su luôn trông chờ mùa mưa đến để cây tăng sản lượng trở lại.
Cơn mưa sáng nay đã phần nào "giải khát" cho vườn cao su của chị Thiệt sau những ngày khô hạn kéo.
Cách vườn cao su của chị Thiệt làm việc không xa, những vườn dưa hấu đang héo rũ vì thiếu nước. Cạnh rẫy dưa, 2 chiếc máy bơm đang ra sức bơm những giọt nước cuối cùng trong đó có một hồ nước đã gần cạn. Cơn mưa sáng nay đã phần nào xua tan được nỗi lo cây trồng sẽ chết khô nhưng để có nước tưới đủ đầy, người nông dân chỉ có thể “trông vào ông trời”!
Nỗi lo sắp cạn nước tưới cho cây trồng mà mưa có vẻ còn rất xa!
Bình Phước hiện có 8/11 huyện, thị xã bị ảnh hưởng bởi nắng hạn. Có 3.195 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và 10.171 ha cây trồng bị ảnh hưởng giảm năng suất từ 30 đến 70%. Trên địa bàn đã ghi nhận 5 vụ cháy rừng với tổng diện tích hơn 1,1 ha. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các địa phương cùng ngành chức năng phối hợp, xây dựng phương án, chủ động bố trí kinh phí nhằm đảm bảo nguồn lực tốt nhất cho phòng, chống thiên tai, hạn hán, cháy rừng, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết đối với quá trình sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Theo ghi nhận, vài ngày qua, tại Tây Ninh, TP.HCM và Bình Dương nhiều khu vực cũng có mưa nhưng lượng mưa không đáng kể. Trong khi đó, tại tỉnh Bến Tre, Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh nhận định, trong nửa đầu tháng 5/2024, địa bàn tỉnh sẽ bước vào thời kỳ chuyển mùa, kèm theo đó là các hiện tượng thời tiết bất thường như: Mưa dông kèm gió giật mạnh, lốc xoáy, sét, mưa lớn cục bộ, mưa đá, sóng to, gió giật mạnh trên biển…
Huyện Bình Đại (Bến Tre) những tháng qua đã phải triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với nắng nóng, hạn hán kéo dài.
Vì vậy, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các cơ quan chức trách triển khai rà soát, cập nhật kế hoạch 4 tại chỗ, có phương án sơ tán, di dời, ứng phó các loại hình thiên tai khi có sự cố xảy ra. Đối với người dân, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng chống: Chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cao, bảo vệ cây trồng, vật nuôi…Khi xảy ra mưa lớn, dông lốc, phải nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa các vật dụng bằng kim loại, trạm biến áp, cột đường dây điện, không sử dụng điện thoại, tivi, máy tính và các thiết bị điện tử khác, không đứng thành nhóm người gần nhau nhằm hạn chế nguy cơ bị sét đánh, cây ngã…
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đề nghị các Sở Giáo dục, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Công ty CP Công trình đô thị, Công ty Điện lực, Viễn thông, Đài Phát thanh và Truyền hình…căn cứ chức năng nhiệm vụ và tùy vào tình hình thời tiết để có những ứng phó kịp thời và phù hợp.
Tấn Nhất – Quốc Lâm
Bình luận