Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 13/04/2025 08:04
Thứ sáu, 11/04/2025 06:04
TMO - Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, chính quyền và Nhân dân huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) đã tích cực bảo vệ môi trường, góp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Những năm gần đây, mô hình bảo vệ môi trường được các cấp huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) tích cực triển khai. Điều này không chỉ tạo cảnh quan, mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân, hướng tới hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương, công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Giáo đã đạt được nhiều thành quả. Huyện hiện có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, trong đó có 4 xã gồm An Thái, Tân Long, Vĩnh Hòa và Tân Hiệp đã được huyện đề nghị công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu năm 2024. Trong hành trình xây dựng NTM, huyện xác định vai trò quan trọng của tiêu chí môi trường và cảnh quan.
Nhờ đó, dọc theo khắp các tuyến đường liên xã được trồng hoa hoàng yến, chiều tím… Những tuyến đường sạch đẹp, thoáng đãng không chỉ góp phần nâng cao mỹ quan mà còn khơi dậy tinh thần cộng đồng trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Tại xã Tân Long, với gần 42.400m² đất cây xanh công cộng, đạt 5,12m²/người, địa phương đã bố trí hợp lý cây xanh tại công viên, nhà văn hóa, trường học và chợ dân sinh.
Riêng công viên trung tâm xã rộng gần 400m² được đầu tư trồng cây xanh, hoa kiểng và thiết bị thể thao, nơi mỗi buổi sáng người dân có thể bắt đầu ngày mới trong làn không khí mát lành giữa hàng cây xanh, hoa kiểng. Trồng cây xanh không chỉ để tạo cảnh quan sạch đẹp mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống trong lành. Từ cán bộ đến người dân trong xã, ai cũng có ý thức chung tay bảo vệ môi trường sống.
Lãnh đạo UBND xã Tân Long chia sẻ, tại xã Vĩnh Hòa, mô hình tuyến đường hoa lan tỏa đến 6/6 ấp. Mỗi hội, đoàn thể trong xã đều có tuyến đường hoa kiểu mẫu. Trong đó, mô hình vườn hoa kiểu mẫu tại ấp Vĩnh Tiến do Chi hội Phụ nữ ấp thực hiện là một điển hình. Người dân ấp Vĩnh Tiến tích cực tham gia, tự tay chăm sóc, trang trí đường làng như chính ngôi nhà của mình. Không gian xanh là niềm vui của mỗi người. Mỗi nhà trồng một cây, mỗi ấp giữ một tuyến đường, cộng lại thành một xã trong lành, đáng sống. Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Giáo, hiện nay 100% khu đất công, trường học, trụ sở cơ quan trên địa bàn huyện được trồng cây.
Người dân tích cực vệ sinh môi trường.
Đến nay, 100% số xã, thị trấn của huyện đều có tuyến đường hoa, khu dân cư xanh - sạch - đẹp… Huyện Phú Giáo đang hướng đến phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế - môi trường - con người.
Cùng với việc đẩy mạnh triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, công tác quản lý chất thải cũng được huyện Phú Giáo chú trọng thực hiện.Với tốc độ đô thị hóa và sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh, huyện Phú Giáo đang đối mặt với áp lực lớn trong công tác quản lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, bằng những giải pháp cụ thể và sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân, địa phương đã và đang tích cực thực hiện xử lý chất thải trên địa bàn. Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện trung bình 79,3 tấn/ngày; tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sau khi người dân thực hiện phân loại tại nguồn được chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển trung bình 4,3 tấn/ngày.
Đối với các khu dân cư tập trung đều được chủ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng về thoát nước mưa, không có tình trạng tồn đọng nước thải sinh hoạt... Lãnh đạo UBND xã Tân Hiệp, cho biết UBND xã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các đoàn thể tổ chức vận động người dân đăng ký thu gom rác thải. Xã còn trang bị thùng rác tại khu vực đông dân cư, góp phần tạo nếp sống văn minh. Đối với hộ dân sống rải rác, xa khu dân cư, việc thu gom bằng phương tiện chuyên dụng còn khó khăn, xã đã hướng dẫn người dân tự phân loại và xử lý rác thải, theo đó rác hữu cơ được tận dụng làm phân bón, rác vô cơ được thu gom định kỳ để vận chuyển đi xử lý theo đúng quy định...
Bao bì thuốc bảo vệ thực vật được người dân bỏ đúng nơi quy định.
Trong khi đó, theo Lãnh đạo UBND xã Phước Hòa, địa phương đang triển khai đề tài khoa học - công nghệ cấp cơ sở về ứng dụng vi sinh xử lý rác hữu cơ thành phân Compost. Mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 70% lượng rác hữu cơ trên địa bàn được xử lý thành phân hữu cơ sử dụng cho cây trồng.
Bên cạnh đó, xã rất chú trọng đến việc xử lý chất thải nông nghiệp. Theo đó, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã (nơi tập trung nhiều trang trại của huyện Phú Giáo), đã chủ động tái sử dụng chất thải làm phân bón hoặc nhiên liệu sinh học.
Nhiều trang trại còn đầu tư lắp đặt hầm biogas và bể xử lý nước thải giúp giảm thiểu ô nhiễm ra môi trường. Lãnh đạo UBND huyện Phú Giáo cho biết tính đến hết năm 2024 huyện đã đưa vào quy hoạch 27 điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 11 xã, thị trấn, hiện có 2 điểm tại xã Phước Hòa và xã An Bình đã hoàn thành.
Các điểm tập kết này không chỉ bảo đảm lưu trữ chất thải đã được phân loại mà còn tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh môi trường. Lãnh đạo UBND huyện Phú Giáo thông tin thêm, địa phương đã đưa tiêu chí môi trường vào nội dung bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm phát sinh rác thải, xả thải không đúng quy định.
Cùng với việc bảo vệ cảnh quan , trong phát triển kinh tế, Phú Giáo cũng chú trọng yếu tố môi trường. Người nông dân trên địa bàn mạnh dạn thực hiện các mô hình nông nghiệp bền vững, xử lý phế phẩm nông nghiệp bằng các giải pháp hiện đại giúp nâng cao thu nhập.
Đơn cử tại xã An Thái, thông tin từ Lãnh đạo UBND xã, địa phương đã quy hoạch vùng chuyên canh cao su, chuyển đổi giống cây trồng năng suất thấp sang giống cây cao sản, kháng bệnh tốt. Đồng thời, địa phương phát triển vườn cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), tạo nền tảng cho kinh tế phát triển bền vững. Ngành chăn nuôi cũng được tổ chức theo mô hình trang trại, gắn với bảo vệ môi trường; đổng thời ứng dụng công nghệ cao giúp kiểm soát dịch bệnh, xử lý chất thải triệt để, hạn chế ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Đồng thời, cơ quan chức năng khuyến khích người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn sinh học, vệ sinh môi trường. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần được sử dụng đúng giai đoạn sinh trưởng và mùa vụ, giúp cây phát triển tối ưu. Quá trình canh tác được ghi chép đầy đủ, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.
Sau thời gian thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, huyện Phú Giáo hiện là vùng nông thôn của khát vọng đổi mới sáng tạo, đẹp của cảnh quan, văn hóa, môi trường và là nơi lan tỏa những giá trị bền vững, đặc biệt với người dân địa phương.
Quỳnh Mai
Bình luận