Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 00:01
Thứ ba, 15/10/2024 15:10
TMO - Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Bình Dương còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Đơn cử như, chưa lấy lại đà tăng trưởng, GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 chỉ đạt 5,01%; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,19%, thấp hơn bình quân chung cả nước (6,42%), xếp thứ 5/6 trong Vùng và thứ 34/63 cả nước.
Bình Dương là địa phương có vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh về địa kinh tế, kết cấu hạ tầng, đô thị và phát triển công nghiệp, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ giao thương với TP. HCM, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia; có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ, địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu ổn định, tập trung khu công nghiệp lớn, tỷ lệ lấp đầy cao, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Là vùng đất người dân có truyền thống anh hùng cách mạng, cần cù lao động, cầu thị, ham học hỏi, năng động, không ngừng đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước.
Những kết quả đạt được của Bình Dương tạo nên những ấn tượng và sự tự hào trong phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, xây dựng Bình Dương theo xu thế là thành phố thông minh của thế giới và không còn hộ nghèo. Những tháng đầu năm 2024, kinh tế tiếp tục đà tăng khá ở cả 3 khu vực. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,19%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 6,04% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,7% ngân sách nhà nước, hơn 50,1 nghìn tỷ. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt 41,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thu hút FDI trong 8 tháng đạt trên 1,36 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, xếp thứ 7/63. Bình Dương luôn duy trì vị thế trong nhóm 3 tỉnh thu hút FDI tốt nhất. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực.
Bình Dương thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Bình Dương còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Theo đó, tại Kết luận trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương mới đây, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Bình Dương chưa lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch. GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 chỉ đạt 5,01%; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,19%, thấp hơn bình quân chung cả nước (6,42%), xếp thứ 5/6 trong Vùng và thứ 34/63 cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai một số công trình, dự án quan trọng quốc gia còn chậm. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần quan tâm để duy trì vị thế "điểm đến hàng đầu" của Bình Dương.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bình Dương cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, cần tiên phong kết nối nền kinh tế với Vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế, nhất là kết nối giao thông xanh, số hóa với Campuchia, với Tây Nguyên qua Bình Phước, với Tây Nam Bộ qua TP. HCM, với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với Cảng Cái Mép - Thị Vải.
Tiên phong trong chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm, đặc biệt chú trọng số hóa và xanh hóa nền kinh tế. Tiên phong trong chủ động, tích cực xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, tập trung đổi mới sáng tạo, lập nghiệp, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ 4.0, phát triển khu công nghiệp thế hệ mới theo hướng xanh, số, công nghệ cao, thông minh; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tỉnh Bình Dương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch; xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch. Thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, có tiềm năng lớn và hạ tầng giao thông; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống: về đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; về xuất khẩu, nghiên cứu và phát triển khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, hướng đến xuất khẩu và thu hút đầu tư; về tiêu dùng, xây dựng chương trình, kế hoạch kích cầu tiêu dùng trên địa bàn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; đẩy mạnh liên kết Vùng.
Tăng diện tích khoảng xanh trong quy hoạch, phát triển đô thị. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, địa phương cần phát triển mạnh các ngành dịch vụ mũi nhọn, hỗ trợ công nghiệp như: thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, logistics, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Phát triển nông nghiệp để bảo đảm lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin, viễn thông, hạ tầng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông kết nối Vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế.
Bình Dương nằm trong vùng Đông Nam Bộ, có thế mạnh về sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Địa phương này hiện có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động cho thuê 7.000 ha đất, tỉ lệ lấp đầy đạt trên 93%. Bình Dương hiện còn có 10 cụm công nghiệp và hàng ngàn nhà máy nằm xen kẽ các khu dân cư. Các nhà máy hoạt động đã tạo ra việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Với thế mạnh này, trong những năm qua, Bình Dương đã không ngừng phát triển công nghiệp thông qua hàng loạt những chính sách ưu tiên. Trên thực tế có thể thấy, ngành công nghiệp của Bình Dương đã có sự chuyển biến tích cực. Công nghiệp hỗ trợ có bước phát triển mạnh, gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.
Nhằm hướng tới hiệu quả cao, phù hợp với xu hướng phát triển chung, Bình Dương đang phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ và giảm dần tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, có tác động xấu đến môi trường. Một số ngành công nghiệp mũi nhọn như điện, điện tử, viễn thông, tin học, cơ khí… và công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng của ngành.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương tiếp tục xem công nghiệp là động lực tăng trưởng chính, chú trọng vào hiện đại hóa các ngành hiện hữu. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như máy móc, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện tử viễn thông, điều khiển từ xa, thiết bị vi mạch tích hợp, chip điện tử… Song song đó, Bình Dương cũng sẽ chú trọng phát triển công nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế…/.
HOÀI AN
Bình luận